Mỹ lên tiếng về cảnh báo hạt nhân của Nga
(Dân trí) - Washington cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát các động thái từ Nga, song khẳng định hiện tại chưa cần điều chỉnh chính sách hạt nhân.
Nhà Trắng ngày 31/7 chỉ trích cảnh báo của Nga liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong tình huống bắt buộc.
"Việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine hay bất cứ đâu sẽ là thảm họa cho cả thế giới và sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho Nga", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nhấn mạnh.
Ông Kirby cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp theo theo dõi sát vấn đề này. Tuy nhiên, hiện tại không có bất cứ lý do nào buộc Mỹ phải điều chỉnh trạng thái hạt nhân, cũng như không có dấu hiệu cho thấy Nga chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân".
Bình luận trên đưa ra sau khi Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, Moscow "không có lựa chọn nào khác" ngoài vũ khí hạt nhân nếu phản công của Ukraine thành công.
"Nga đã đẩy lùi cuộc phản công của đối phương, bảo vệ công dân và đất đai Nga. Nếu cuộc phản công của Ukraine do NATO hậu thuẫn thành công và kiểm soát một phần lãnh thổ Nga, chúng tôi sẽ buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân theo các quy tắc của sắc lệnh từ Tổng thống Nga", ông Medvedev cho biết trên Telegram ngày 30/7.
Ông Medvedev được cho là đang đề cập đến một phần học thuyết hạt nhân của Nga, trong đó nêu rõ rằng vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng để đáp trả hành động gây hấn chống lại Nga.
Moscow nhiều lần đưa ra cảnh báo tương tự. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden đầu tháng này nói rằng ông không tin Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3 thông báo quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, một quốc gia đồng minh có chung biên giới với Ukraine. Chủ nhân Điện Kremlin nói động thái này không khác nhiều so với việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở 5 quốc gia thành viên NATO gồm Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hồi tháng 6 xác nhận một số đầu đạn hạt nhân đã được bí mật chuyển tới nước này.
Trang tin Defense cuối tuần qua dẫn các ảnh chụp vệ tinh cho thấy Belarus triển khai tên lửa Iskander nhận từ Nga tại căn cứ quân sự gần thị trấn Asipovichy, miền trung nước này. Các hệ thống tên lửa Iskander cùng với máy bay Su-25 được điều chỉnh đặc biệt để mang đầu đạn hạt nhân.
Giới chức Nga cho biết, việc triển khai này nhằm hỗ trợ Belarus tăng cường an ninh biên giới và Moscow vẫn giữ quyền kiểm soát đối với các vũ khí hạt nhân chiến thuật đó.
Alexey Polishchuk, vụ trưởng Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thuộc Bộ Ngoại giao Nga, hôm qua cho biết Moscow có thể rút vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Belarus với điều kiện Mỹ hành động tương tự ở châu Âu.
"Nghĩa là Mỹ phải rút hoàn toàn vũ khí hạt nhân triển khai ở châu Âu về nước và phá hủy toàn bộ hạ tầng liên quan ở khu vực này", ông Polishchuk nhấn mạnh.
Washington chưa bình luận về đề nghị trên. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Washington và Kiev sẽ bắt đầu đàm phán về các đảm bảo an ninh dành cho Ukraine.
"Trong tuần này, các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu để quyết định chi tiết các cam kết an ninh (dành cho Ukraine) trong tương lai", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho hay.
Quan chức này cho biết thêm, Mỹ coi các cam kết an ninh dài hạn tách bạch với hoạt động viện trợ quân sự cho Ukraine.