1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ lên tiếng sau cảnh báo cứng rắn của Nga ở Biển Đen

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Mỹ lên tiếng xung quanh việc viện trợ cho Kiev, sau khi Moscow cảnh báo rằng tất cả các tàu ở Biển Đen hướng đến các cảng của Ukraine sẽ bị coi là tàu quân sự.

Mỹ lên tiếng sau cảnh báo cứng rắn của Nga ở Biển Đen - 1

Nga cảnh báo tất cả các tàu ở Biển Đen hướng đến các cảng của Ukraine sẽ bị coi là tàu quân sự (Ảnh: Reuters).

Trả lời câu hỏi của phóng viên về cảnh báo của Bộ Quốc phòng Nga rằng tất cả các tàu hướng đến các cảng của Ukraine ở Biển Đen sẽ bị coi là mục tiêu quân sự và có thể bị tấn công, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm qua khẳng định Mỹ không có kế hoạch hỗ trợ các tàu vào các cảng của Ukraine.

Bà Jean-Pierre cho biết, Washington sẽ "tiếp tục hỗ trợ nỗ lực của Kiev để đưa ngũ cốc của Ukraine ra thị trường", đồng thời đề cập đến gói viện trợ trị giá 250 triệu USD cùng với hạt giống, phân bón và hỗ trợ bảo quản và chế biến cây trồng.

Tuy nhiên, khi được hỏi Mỹ dự định "tăng cường năng lực hải quân của Ukraine thế nào", bà chỉ đưa ra một cam kết chung chung rằng "đảm bảo rằng họ có những gì cần thiết để tự vệ".

Các thiết bị an ninh cảng và cầu cảng đã được đưa vào gói viện trợ quân sự trị giá 1,3 tỷ USD cho Ukraine do Lầu Năm Góc công bố hôm 19/7.

Trong gói viện trợ mới nhất, Ukraine cũng sẽ nhận được hệ thống tên lửa phòng không NASAM, các máy bay không người lái (UAV) Phoenix Ghost và Switchblade, đạn pháo bổ sung và thiết bị rà phá bom mìn, thiết bị trinh sát điện tử và chống UAV, cùng các loại vũ khí chính xác trên không, đưa tổng viện trợ quân sự do Mỹ cung cấp kể từ khi xung đột nổ ra lên tới 42,6 tỷ USD.

Bình luận của bà Jean-Pierre đã xác nhận những gì phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby thông báo trước đó, vốn loại trừ việc sử dụng lực lượng quân sự của Mỹ để bảo vệ các chuyến hàng ngũ cốc vào và ra khỏi các cảng Ukraine.

Thay vào đó, Mỹ sẽ "làm việc với các quốc gia khác" để đảm bảo ngũ cốc đến được nơi cần đến, ông nói.

Nga đã rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hôm 17/7, cáo buộc rằng Mỹ đã không giữ lời hứa dỡ bỏ một số hạn chế được áp đặt sau chiến dịch quân sự của họ ở Ukraine, bao gồm cả việc kết nối lại các ngân hàng của họ với SWIFT, mở một đường ống dẫn khí amoniac đến Italy, cho phép nhập khẩu máy móc nông nghiệp và linh kiện, đồng thời bỏ cấm vận bảo hiểm vận tải và hậu cần khác.

Điện Kremlin cũng lên án điều mà họ mô tả là "cuộc tấn công khủng bố" do UAV của Ukraine thực hiện nhằm vào cây cầu Crimea, nhưng phủ nhận đó là một yếu tố dẫn đến quyết định rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/7 cảnh báo rằng trong tương lai, tất cả các tàu đi đến các cảng của Ukraine "sẽ bị coi là tàu chở hàng quân sự tiềm tàng" và các quốc gia có cờ treo trên những tàu như vậy cũng có nguy cơ bị coi là "bên tham gia vào cuộc xung đột Ukraine" và Moscow "sẽ coi các quốc gia này đứng về phía Kiev".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đầu tuần này kêu gọi Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục thỏa thuận ngũ cốc mà không có Nga, nhấn mạnh "mọi thứ phải được thực hiện để chúng tôi có thể sử dụng hành lang Biển Đen này".

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine