Cảnh báo nguy cơ mới từ dự án "Vành đai, con đường" của Trung Quốc ở châu Âu
(Dân trí) - Các chuyên gia cảnh báo rằng Hungary và Hy Lạp có thể trở thành “điểm nóng” mới bùng phát các hoạt động gian lận thuế nhập khẩu, “núp bóng” dưới các công trình trong dự án “Vành đai, con đường” Trung Quốc phát động ở châu Âu.
Hồi tháng 3, Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu chính phủ Anh bồi thường cho ngân sách của liên minh châu Âu EU 2,7 tỉ Euro ( khoảng 3,1 tỉ USD) khi cho rằng nước này đã để “lọt” các sản phẩm dệt may và giày dép từ Trung Quốc vào lãnh thổ châu Âu với mức thuế quan thấp hơn nhiều so với mức trung bình của EU.
Theo EC, dù Anh đã được cảnh báo về nguy cơ gian lận thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dệt may và giày dép có xuất xứ từ Trung Quốc từ nhiều năm trước và đã được yêu cầu áp dụng các biện pháp cần thiết để kiểm soát các nguy cơ gian lận nhưng nước Anh được cho là đã không áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp để ngăn chặn gian lận có thể xảy ra. Vì vậy, EC yêu cầu Anh phải bồi thường cho tổn thất của khối.
Các quan chức thuộc cơ quan chống gian lận thuế châu Âu (OLAF) cho biết họ đang nghi ngờ mô hình gian lận thuế quan này có thể đang dịch chuyển sang Hungary và cảng Piraeus, ở thủ đô Athens, Hy Lạp. Đây là cảng lớn nhất Hy Lạp và đã bị tập đoàn vận tải quốc doanh Cosco Shipping của Trung Quốc mua lại hồi năm 2016.
Dữ liệu của hải quan của Hungary và Hy Lạp cho thấy sự gia tăng trong số lượng các mặt hàng quần áo và giầy dép nhập khẩu bị định giá thấp để gian lận thuế nhập khẩu từ Trung Quốc trong 2 năm qua, theo OLAF. Các quan chức nhấn mạnh rằng xu hướng này dường như đã trùng hợp với những gì xảy ra ở Anh trước đó.
Thông thường, thuế từ hoạt động nhập khẩu của các quốc gia thành viên EU sẽ được các quốc gia này thu lại trước khi chuyển thẳng vào ngân sách của khối.
OLAF lo ngại xu hướng này sẽ sớm gia tăng và cho rằng các hoạt động giám sát luồng hàng hóa nhập khẩu nên được cải thiện. Hồi tháng 4, Reuters đưa tin rằng chính quyền Italy đang điều tra nghi vấn gian lận nhập khẩu do một tổ chức tội phạm có tổ chức ở Trung Quốc tiến hành thông qua cảng Piraeus. Phía Cosco Shipping đã phản pháo rằng họ đã nghiêm túc tuân thủ theo luật pháp Hy Lạp cũng như luật quốc tế và không làm gì sai.
Theo SCMP, Trung Quốc muốn chuyển đổi cảng của Hy Lạp thành “lối vào châu Âu”, vốn là một phần của phát kiến “Vành đai, con đường” trị giá 126 tỉ USD của Bắc Kinh. Dự án này ra đời nhằm tăng cường liên kết vận tải, thương mại với châu Âu và các châu lục khác trên thế giới. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ đổ vốn cho các quốc gia để xây đường tàu hỏa nhanh và đường bộ nối Anthens với thủ đô của Hungary, Budapest, chạy theo dọc khu vực Balkan. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng tuyến đường này có thể trở thành nơi diễn ra các hoạt động gian lận nhập khẩu hàng hóa Trung quốc vào châu Âu.
Đức Hoàng
Theo SCMP