1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ lập nhóm đặc nhiệm trí tuệ nhân tạo, "đốt nóng" cuộc đua với Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ thành lập lực lượng đặc nhiệm chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh - một xu hướng mới có thể ảnh hưởng tới năng lực tác chiến trong tương lai, cũng như cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

Mỹ lập nhóm đặc nhiệm trí tuệ nhân tạo, đốt nóng cuộc đua với Trung Quốc - 1

Lầu Năm Góc thành lập lực lượng đặc nhiệm AI tạo sinh đầu tiên (Ảnh minh họa: AP).

Lầu Năm Góc ngày 10/8 thông báo đã thành lập lực lượng đặc nhiệm AI tạo sinh đầu tiên, khi Mỹ đang cạnh tranh với Trung Quốc nhằm tạo lợi thế trong hoạt động tác chiến tương lai.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, AI tạo sinh là "loại thuật toán có thể tự sáng tạo ra kết quả dựa trên dữ liệu mà chúng đã được đào tạo". Ứng dụng nổi bật hàng đầu của AI tạo sinh chính là phần mềm ChatGPT được ra mắt năm 2022.

AI tạo sinh sẽ không chỉ làm nhiệm vụ phân tích dữ liệu theo yêu cầu của người điều hành, mà còn khả năng tạo ra các sản phẩm một cách chủ động dựa trên các dữ liệu sẵn có.

Lực lượng đặc nhiệm Lima do Mỹ mới thành lập có nhiệm vụ đánh giá, đồng bộ hóa và sử dụng các năng lực AI tạo sinh trong Bộ Quốc phòng, nhằm đảm bảo Washington luôn đi đầu trong các công nghệ tiên tiến trong khi bảo vệ an ninh quốc gia.

Craig Martell, lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm Lima, cho biết Lầu Năm Góc có nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện một cách có trách nhiệm việc áp dụng các mô hình AI tạo sinh đồng thời giảm thiểu rủi ro an ninh quốc gia.

Ông nói thêm: "Chúng ta cũng phải xem xét mức độ mà các đối thủ của Mỹ sẽ sử dụng công nghệ này và nỗ lực của họ nhằm làm ảnh hưởng tới các giải pháp AI của chúng ta".

Bằng cách dùng các mô hình AI tạo sinh, vốn có thể sử dụng các tập dữ liệu khổng lồ để tạo ra sản phẩm, Lầu Năm Góc muốn thông qua đó tăng cường năng lực tác chiến, khả năng sẵn sàng ứng phó, năng lực y tế và thực hiện chính sách.

Trong thời gian qua, Mỹ đã ngày càng chú ý tới nghi vấn Trung Quốc có thể tiếp cận công nghệ AI của Washington cho mục đích quân sự. Mỹ đã công bố kế hoạch hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm ở Trung Quốc, như các hệ thống AI. 

Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm nghiên cứu về An ninh Mỹ mới có trụ sở tại Washington, sự xuất hiện của AI dùng trong hoạt động quân sự có thể sẽ khiến Mỹ - Trung cạnh tranh quyết liệt hơn, có thể dẫn tới gia tăng rủi ro chiến lược.

Hồi tháng 5, cựu giám đốc điều hành Google Eric Schmidt cho biết Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào AI trong hoạt động quốc phòng so với Mỹ.

Những rủi ro của việc ứng dụng AI trong quân sự đang là chủ đề được các bên tranh luận. Hơn 60 quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc, đã ký một lời kêu gọi hành động ủng hộ việc sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong các nền quân đội.

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm