Chuyến thăm hiếm hoi của Đại sứ Trung Quốc tới Lầu Năm Góc
(Dân trí) - Giới quan sát nhận định Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Xie Feng đã có chuyến thăm được xem là khá hiếm hoi tới Lầu Năm Góc, trong bối cảnh Bắc Kinh trước đó từ chối đối thoại quân sự với Washington.
Lầu Năm Góc cho biết, Đại sứ Xie Feng đã có một cuộc họp khá hiếm hoi tại Lầu Năm Góc vào ngày 12/7 với ông Ely Ratner, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực châu Á.
Theo thông báo, 2 bên đã thảo luận về quan hệ quốc phòng và "một loạt vấn đề an ninh khu vực và quốc tế". Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Martin Meiners cho biết: "Ông Ratner cũng nhấn mạnh cam kết của Bộ trong việc duy trì các đường dây liên lạc giữa quân đội Mỹ với quân đội Trung Quốc".
Trong một tuyên bố vào đầu ngày 13/7, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết ông Xie kêu gọi 2 bên trao đổi để dần dần đưa quan hệ giữa hai nước và quân đội đi đúng hướng.
"Một mối quan hệ Trung - Mỹ lành mạnh và ổn định là vì lợi ích chung của cả hai nước", ông Xie nói.
Ông Xie cũng đề nghị "phía Mỹ hành động để loại bỏ các trở ngại, quản lý sự khác biệt, xử lý vấn đề Đài Loan và các vấn đề quan trọng và nhạy cảm khác một cách thận trọng".
Bà Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson (Mỹ), cho biết cuộc họp này khá đặc biệt và không theo thông lệ.
"Đại sứ Trung Quốc không thường gặp các quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ. Điều đó có thể cho thấy Trung Quốc ít nhất đang đáp lại những lo ngại của Mỹ, nhưng tiến trình thực sự vẫn cần thời gian và đàm phán", bà Sun nhận định.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc từng nhiều lần từ chối đối thoại quân sự cấp cao với Mỹ.
Vào tháng 3, ông Lý Thượng Phúc được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Kể từ đó, Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhiều lần kêu gọi đối thoại với tân Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh từ chối đề nghị này.
Cuối tháng trước, phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Liu Pengyu cho hay: "Phía Mỹ biết rõ lý do dẫn đến những khó khăn trong quan hệ quân sự với Trung Quốc. Họ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Trung Quốc".
Ông Liu không nêu cụ thể các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Trung Quốc, tuy nhiên, theo Bloomberg, nhà ngoại giao Trung Quốc "có khả năng đề cập" đến các biện pháp hạn chế áp đặt đối với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc.
Năm 2018, ông Lý nằm trong số các quan chức Trung Quốc bị Mỹ áp lệnh trừng phạt vì liên quan tới việc Bắc Kinh mua tiêm kích Su-35 của Nga.