Mỹ không tham gia sáng kiến vắc xin Covid-19 do WHO dẫn đầu
(Dân trí) - Mỹ sẽ không tham gia vào nỗ lực quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu nhằm phát triển và phân phối vắc xin ngừa Covid-19.
"Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác quốc tế để đảm bảo chúng ta sẽ đẩy lùi được đại dịch này, nhưng chúng tôi sẽ không bị ràng buộc bởi các tổ chức đa phương bị chi phối bởi WHO và Trung Quốc, người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere cho biết ngày 1/9.
Người phát ngôn này nhấn mạnh thêm: "Tổng thống (Donald Trump) sẽ nỗ lực hết mình để đảm bảo rằng bất cứ vắc xin mới nào cũng giữ được tiêu chuẩn vàng về tính an toàn và hiệu quả mà Cục Quản lý Thực và Dược Phẩm Mỹ (FDA) đưa ra, được thử nghiệm kỹ lưỡng và có thể cứu nhiều sinh mạng".
Quyết định này sẽ khiến Mỹ đứng ngoài nỗ lực quốc tế của hơn 170 quốc gia tham gia Sáng kiến COVAX do WHO đứng đầu nhằm nghiên cứu, phát triển và phân phối vắc xin ngừa Covid-19 hiệu quả trên toàn cầu.
Quyết định cũng cho thấy mối quan hệ rạn nứt giữa Mỹ và WHO kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 và việc chính quyền Tổng thống Trump đặt cược vào chiến dịch "Thần tốc" - một chiến dịch của chính phủ Mỹ nhằm đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, phát triển phương pháp điều trị, vắc xin và các biện pháp khác nhằm đối phó với Covid-19.
Mỹ hiện có hai loại vắc xin Covid-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3 do công ty Moderna và Pfizer/BioNTech nghiên cứu. Hai loại vắc xin nữa cũng sẽ bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 vào khoảng giữa tháng 9 này.
“Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, các hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển phương pháp điều trị và vắc xin được đẩy nhanh với tốc độ chưa từng có nhằm mục tiêu có được thuốc đặc trị hiệu quả, đột phá, an toàn”, người phát ngôn Nhà Trắng nói.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đã có hơn 6 triệu người mắc Covid-19, trong đó hơn 180.000 người tử vong. Hồi tháng 7, sau khi đã cắt tài trợ cho WHO, chính quyền của ông Trump tiếp tục thông báo cho quốc hội và Liên Hợp Quốc về việc Mỹ bắt đầu chính thức rút khỏi WHO, quyết định sẽ có hiệu lực từ tháng 7 năm sau. Ông Trump cáo buộc WHO “thiên vị” Trung Quốc và chậm trễ đối phó khiến Covid-19 trở thành đại dịch và gây hậu quả nặng nề. Cả WHO và Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này.
Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO với khoản đóng góp lên đến 893 triệu USD trong năm 2018 và 2019, chiếm khoảng 15% tổng ngân sách của WHO. Quyết định của Washington rút khỏi WHO đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cả dư luận trong nước và quốc tế. Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden tuyên bố ông sẽ đưa Mỹ trở lại WHO ngay trong ngày đầu nhiệm sở nếu đắc cử.
Dịch Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm ngoái và đã nhanh chóng lan ra thành đại dịch toàn cầu. Đến nay, thế giới ghi nhận hơn 26 triệu ca mắc, trong đó hơn 850.000 người tử vong.
Các nước, trong đó có Mỹ, Nga, Trung Quốc, đang tham gia vào cuộc chạy đua phát triển vắc xin, trong đó Nga tuyên bố sẽ phê chuẩn vắc xin ngừa Covid-19 thứ hai vào khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 này. Sau khi hoài nghi về tính hiệu quả và an toàn của vắc xin "đốt cháy giai đoạn" của Nga, giới chức Mỹ cuối tuần qua cũng để ngỏ khả năng phê chuẩn vắc xin trước khi hoàn tất giai đoạn thử nghiệm quan trọng thứ 3.