1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ trừng phạt viện nghiên cứu phát triển vắc xin Covid-19 của Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ đã liệt 5 viện nghiên cứu của Nga vào danh sách trừng phạt, bao gồm cơ sở nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19.

Mỹ trừng phạt viện nghiên cứu phát triển vắc xin Covid-19 của Nga - 1

Nhà khoa học làm việc tại viện nghiên cứu vắc xin Covid-19 của Nga. (Ảnh: Sputnik)

Hãng tin Sputnik ngày 26/8 dẫn thông báo của Bộ Thương mại Mỹ cho biết 5 viện nghiên cứu của Nga đã bị liệt vào danh sách trừng phạt, trong đó có Viện Nghiên cứu Khoa học Trung ương 48 thuộc Bộ Quốc phòng Nga. Đây là cơ sở nghiên cứu tham gia vào quá trình phát triển vắc xin ngừa Covid-19 của Nga cùng với Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Gamaleya, bao gồm việc thử nghiệm tính độc, sự an toàn, khả năng miễn dịch và hiệu quả phòng bệnh.

Cơ quan của chính phủ Mỹ cáo buộc các viện nghiên cứu bị trừng phạt của Nga đang tham gia vào việc phát triển vũ khí sinh học và hóa học. Tuy nhiên, Washington không đưa ra bằng chứng cho cáo buộc này.

Việc bị đưa vào danh sách trừng phạt của Bộ Thương mại Mỹ đồng nghĩa với việc các nhà chức trách Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu và vận chuyển hàng hóa theo các quy định hiện hành đối với các cá nhân và tổ chức bị cho là có nguy cơ gây ra các mối đe dọa cho an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ.

Ngoài Viện Nghiên cứu Khoa học Trung ương 48, Mỹ cũng áp lệnh trừng phạt đối với Viện Thử nghiệm và Nghiên cứu Trung ương 33 thuộc Bộ Quốc phòng Nga và Viện Nghiên cứu Công nghệ và Hóa học Hữu cơ Nhà nước. 

Theo thông tin chính thức, Viện Thử nghiệm và Nghiên cứu Trung ương 33 là viện nghiên cứu đầu ngành của Nga trong lĩnh vực phóng xạ, bảo vệ sinh học và hóa học.

Sputnik V, vắc xin Covid-19 đầu tiên của Nga, do Viện nghiên cứu Gamaleya tại Moscow và Bộ Quốc phòng Nga phát triển. Chính phủ Nga chính thức đăng ký Sputnik V vào ngày 11/8 và Nga cũng là nước đầu tiên trên thế giới cấp phép vắc xin Covid-19.

Bộ Y tế Nga khẳng định Sputnik V đã trải qua tất cả các bài kiểm tra cần thiết và được chứng minh là có khả năng sản sinh miễn dịch chống virus corona.

Theo thông báo của Bộ Thương mại Mỹ, 60 thực thể từ 9 quốc gia đã bị đưa vào danh sách trừng phạt. Các thực thể này bị cáo buộc “hành động đi ngược với an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngooại của Mỹ”.

Vì sao Mỹ áp lệnh trừng phạt Nga?

Tiberio Graziani, người đứng đầu Viện Phân tích Tầm nhìn và Xu hướng Toàn cầu có trụ sở tại Italy, cho rằng “các lệnh trừng phạt do Mỹ đưa ra nhằm vào các viện nghiên cứu vắc xin của Nga đã dẫn tới một cuộc tấn công nghiêm trọng nhằm vào quyền tự do của các nhà khoa học, không chỉ ở Nga mà trên toàn thế giới”.

Học giả Italy mô tả lệnh trừng phạt của Mỹ như “tội ác chống lại loài người” khi gây khó khăn cho trung tâm nghiên cứu vắc xin hàng đầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới.

Sau khi Nga đăng ký vắc xin Covid-19, Mỹ và nhiều nước phương Tây đã hoài nghi mức độ an toàn và hiệu quả của vắc xin này. Nhiều ý kiến cho rằng Nga có thể đã đốt cháy giai đoạn khi chưa hoàn tất bước thử nghiệm trên hàng nghìn người. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ các nghi vấn này.

“Với các lệnh trừng phạt này, Mỹ đang tìm cách cản trở quá trình phát triển và sản xuất vắc xin Covid-19 của Nga trong cuộc cạnh tranh chiếm ưu thế về khoa học. Lý do phía sau lệnh trừng phạt của Mỹ có vẻ đáng ngờ”, chuyên gia Graziani nhận định.

Theo Earl Rasmussen, nhà nghiên cứu kiêm phó giám đốc Trung tâm Âu - Á, đây tiếp tục là động thái cho thấy việc Mỹ sử dụng các lệnh trừng phạt như một phương tiện để chống lại cạnh tranh công bằng và cản trở các thị trường tiếp cận các giải pháp sống còn.

Chuyên gia Graziani cho rằng “Mỹ đang ở thời khắc lịch sử nhưng lại phải đối mặt với khó khăn lớn và sợ bị mất vai trò lãnh đạo về khoa học và công nghệ”. Andy Vermaut, nhà hoạt động nhân quyền và bình luận chính trị Bỉ, trong mắt của các nhà hoạch định chính sách Mỹ, sự dẫn đầu của Nga trong cuộc đua vắc xin Covid-19 rõ ràng đã đi ngược lại với lập trường “nước Mỹ là số một”. Tuy nhiên, theo ông Andy, trong lĩnh vực khoa học, không phải lúc nào Mỹ cũng là nước hiện đại nhất.

Cả hai chuyên gia Vermaut và Graziani đều nhất trí rằng, lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ có liên quan nhiều hơn tới cuộc cạnh tranh chính trị trong nước và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.