Mỹ kêu gọi một chính phủ "kỹ trị" ở Ukraine
Ngày 24/2, Mỹ không nói công nhận Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov hay không mà chỉ kêu gọi thành lập một chính phủ kỹ trị ở Kiev để đẩy nhanh cuộc bầu cử sớm.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney lưu ý rằng Tổng thống Viktor Yanukovych "hiện không chủ động lãnh đạo đất nước" và Washington không thể xác nhận ông ta đang ở đâu. Nhà Trắng thấy rằng Quốc hội Ukraine đã "bầu ra chủ tịch mới một cách hợp pháp" và ủng hộ các nỗ lực nhằm kiểm soát tình hình chính trị cũng như "đảm bảo rằng các cơ quan chính phủ hoạt động".
Khoảng 10.000 người Ukraine ủng hộ chính sách thân Nga đã tuần hành tại thành phố cảng miền nam Sevastopol. Ảnh: AFP-TTXVN
Được hỏi liệu Mỹ có coi ông Turchynov là nhà lãnh đạo hợp pháp của Ukraine hay không, ông Carney chỉ đơn giản nhắc lại rằng Washington đã chứng kiến ông ta được bầu làm chủ tịch quốc hội.
Quốc hội Ukraine đã bổ nhiệm Stepan Kubiv, một thành viên của quốc hội có kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, làm thống đốc ngân hàng trung ương mới của nước này. |
Trong khi đó, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Alexei Ulyukaev cho biết khoản giải ngân 2 tỷ USD tiếp theo cho Ukraine đã "sẵn sàng" và ông đang chờ đợi phản hồi xem đối tác Ukraine sẽ là ai.
Cùng ngày, trả lời họp báo, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố Mỹ sẵn sàng hỗ trợ tài chính Ukraine để bổ sung cho khoản viện trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Trong diễn biến liên quan, trả lời báo giới tại Bắc Kinh ngày 24/2, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã hối thúc Nga tiếp tục viện trợ tài chính cho Ukraine vì tình hình tài chính rất xấu ở quốc gia khủng hoảng này.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết ông sẽ "sớm" thăm Ukraine, đồng thời cảnh báo Kiev cần gấp sự giúp đỡ tài chính quốc tế để vực dậy nền kinh tế đang ốm yếu của mình.
Ông Hague sẽ tới Washington vào tối 24/2 để thảo luận với người đồng cấp Mỹ John Kerry và Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) về Ukraine.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns sẽ thăm Kiev vào ngày 25/2 để hỗ trợ giới lãnh đạo mới của Ukraine cũng như kêu gọi cải cách kinh tế và chính trị nhanh chóng. Ông Burns sẽ là phái viên cấp cao nhất của Mỹ thăm Ukraine kể từ khi Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland gặp những người biểu tình chống chính phủ ở quốc gia khủng hoảng này hồi tháng 12/2013.
Martin Nesirky, Phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, cho biết ông Ban Ki-moon đã kêu gọi duy trì "đoàn kết và toàn vẹn lãnh thổ" của Ukraine, đồng thời cử cố vấn cấp cao Robert Serry tới Kiev để gặp chủ tịch quốc hội Ukraine Oleksandr Turchynov và chuyển lời cam kết của ông Ban là sẽ hỗ trợ "quá trình lãnh đạo do người Ukraine đứng đầu".
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để cố gắng thuyết phục ông Putin ủng hộ một quá trình quá độ chính trị hòa bình ở Ukraine, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đảm bảo sự đoàn kết và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Đông Âu này. Ngoài ra, ông Hollande cũng hối thúc Nga hợp tác trong vấn đề hỗ trợ tài chính cho Ukraine để giúp hiện đại hóa nền kinh tế nước này.
Trong khi đó, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ngày 24/2 đã thông báo với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kế hoạch thành lập một tổ chức quốc tế để hỗ trợ quá trình chuyển giao ở Ukraine.
Trong một diễn biến khác, theo tuyên bố đăng trên trang web cá nhân, thủ lĩnh đối lập vừa được trả tự do của Ukraine, bà Yulia Tymoshenko sẽ tới Đức để điều trị vào tháng tới. Tuyên bố cho hay "cựu Thủ tướng Tymoshenko đã chấp nhận lời đề nghị điều trị từ phía Thủ tướng Đức Angela Merkel" và bà Tymoshenko sẽ điều trị sau khi tham dự đại hội của Đảng Nhân dân châu Âu bắt đầu tại thủ đô Dublin của CH Ireland vào ngày 6/3.