1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ-Hàn nên từ bỏ chính sách “cây gậy” đối với Triều Tiên

Đã bao năm qua, phương thức sử dụng “Cây gậy” tỏ ra không hiệu quả, đã đến lúc phương Tây nên thay đổi cách tiếp cận đối với Triều Tiên.

Dọa nạt không thể khuất phục được Triều Tiên

Hãng Yonhap đưa tin, trong một báo cáo mới đây, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã công bố ý định điều chỉnh chiến lược quân sự. Trong đó, các hoạt động diễn tập tiếp theo của Hàn Quốc sẽ được tổ chức tại khu vực tiếp giáp vùng phi quân sự với Triều Tiên.

Seoul giải thích rằng, sở dĩ nước này có nhu cầu khôi phục các cuộc tập trận giáp giới tuyến tạm thời giữa hai miền là do có thông tin cho rằng, Bình Nhưỡng lên kế hoạch phóng tên lửa đẩy lớn vào tháng 10, nhân dịp 70 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên.

Những động thái của Seoul chĩa về phía Bình Nhưỡng trong thời gian gần đây không khỏi gieo rắc mối ngờ vực là nhà chức trách Hàn Quốc đang cố tình khiêu khích căng thẳng trên bán đảo. Những việc làm này của họ thật không đúng lúc và có phần hơi “cố chấp”.

Ông Andrei Ivanov, cán bộ Viện Nghiên cứu Quốc tế MGIMO cho biết, tháng 8 năm nay, Hàn Quốc đã khiêu khích một cuộc pháo kích vào chính lãnh thổ mình bằng cách đột nhiên nối lại hoạt động tuyên truyền qua loa phóng thanh trên biên giới.

Thật khó hiểu Seoul muốn đạt được điều gì. Khuyến khích người dân Triều Tiên phản đối chính nước mình? Đó là điều không thể. Nhưng quá dễ để làm cho ông Kim Jong-un và các tướng lĩnh của ông nổi giận.

Mỹ-Hàn nên từ bỏ chính sách “cây gậy” đối với Triều Tiên - 1

Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa đẩy có khả năng hoán chuyển thành tên lửa đạn đạo liên lục địa

Kết quả, sau khi Bình Nhưỡng đe dọa dùng tên lửa và pháo binh phá hủy các loa phóng thanh, Seoul đã phải ngồi vào bàn đàm phán và rồi cũng phải ngừng sự tuyên truyền khiêu khích hoàn toàn vô dụng này.

Khi cả thế giới hy vọng sẽ có sự lắng dịu xuống trong quan hệ giữa hai nước trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng giờ đây, Seoul lại tuyên bố muốn tiến hành tập trận gần khu vực phi quân sự. Làm như vậy không thể nào ép được Bình Nhưỡng từ bỏ kế hoạch thử nghiệm tên lửa mới.

Tiếc rằng, những nỗ lực của lãnh đạo Triều Tiên vì cuộc đối thoại bình đẳng với Washington đều là vô ích, không ai hiểu được tín hiệu của Bình Nhưỡng. Việc Hàn Quốc tìm cách làm nước láng giềng mở mắt, bằng cách đe dọa tập trận quân sự gần biên giới, sẽ chỉ làm cho Triều Tiên tỏ ra hiếu chiến hơn.

Có vẻ như Hàn Quốc tự tin vào khả năng bóp nghẹt Triều Tiên bằng các công cụ kinh tế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây nền kinh tế của miền bắc đã được củng cố đáng kể dưới hình thức phát triển kiểu tư bản nhà nước. Nhiều chỉ số kinh tế-xã hội cho thấy, Triều Tiên đang từ từ trở thành… một Hàn Quốc mới.

Ngoài ra, Moscow, Bắc Kinh cũng không bao giờ để gọng kìm bao vây kinh tế, quân sự thắt chặt Triều Tiên. Các hoạt động quân sự chống lại Bình Nhưỡng đe dọa an ninh không chỉ của Hàn Quốc mà cả các nước láng giềng như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản.

Mỹ-Hàn nên từ bỏ chính sách “cây gậy” đối với Triều Tiên - 2

Hàn Quốc tuyên bố chuẩn bị tập trận tại khu vực tiếp giáp vùng phi quân sự với Triều Tiên

Mặc dù Seoul khẳng định họ không mong muốn đụng độ vũ trang nghiêm trọng chứ chưa nói tới chiến tranh, nhưng những hành động khiêu khích như vậy thừa sức đẩy hai bên tới xung đột.

Rõ ràng, vụ phóng tên lửa sắp tới là thông điệp cứng rắn nhưng cũng ôn hòa của Bình Nhưỡng, một lời mời đối thoại trực tiếp gửi Washington chứ không phải Seoul. Triều Tiên sẽ lắng dịu nhưng Hoa Kỳ phải hứa từ bỏ nỗ lực phá hoại chế độ Bình Nhưỡng.

Đây không chỉ đơn thuần là một cú áp-phe tinh thần mà nó có giá trị cao hơn. Một thắng lợi nho nhỏ trước Mỹ cho phép ông Kim Jong-un được dịp chứng tỏ vị thế của mình trước giới chức trong nước và áp chế các nhà quân sự Triều Tiên thích lên cò súng, để dồn lực tập trung thúc đẩy cải cách kinh tế.

Nên từ bỏ chính sách "Cây gậy" đối với Triều Tiên

Vào ngày 13 tới, đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc chuyên trách vấn đề hòa bình và an ninh trên bán đảo Hàn Quốc Hwan Chung-guk sẽ lên đường đến Hoa Kỳ để bàn bạc khả năng tái khởi động cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

"Washington, cũng như Seoul, đang thi hành những nỗ lực khác nhau để nối lại cuộc đàm phán sáu bên", còn "Bình Nhưỡng khăng khăng từ chối bất kỳ cuộc đối thoại về chương trình hạt nhân của họ" - ông Hwan Chung-guk phát biểu ngày 10 tháng 9 trước nghị viện Hàn Quốc.

Nhưng cách giải thích như vậy về tình hình xung quanh cuộc đàm phán sáu bên không được sự tán đồng của chuyên viên Nga Aleksandr Vorontsov - lãnh đạo bộ phận nghiên cứu Triều Tiên và Mông Cổ thuộc Viện Phương Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga).

Ông Vorontsov phân tích: “Thông báo của đặc phái viên Hàn Quốc về chuyến đi sắp tới đến Washington để thảo luận khả năng khôi phục đàm phán 6 bên chứng tỏ, cả Seoul cũng như Washington đều không cho rằng đàm phán 6 bên đã "bị khai tử”, mà thực ra họ coi cuộc đàm phán này như một công cụ hữu ích.

Kể từ năm 2009, khi quá trình thương lượng bị cắt đứt, đã xảy ra nhiều sự kiện làm phức tạp tình hình, kể cả trong lĩnh vực hạt nhân. Ví dụ, bây giờ có lẽ không ai nghi ngờ gì về việc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã sở hữu vũ khí hạt nhân”.

Tuy vậy, ít có hy vọng nối lại đàm phán. Trong những năm gần đây Bình Nhưỡng đã đưa ra khá nhiều đề xuất về việc nối lại cuộc đối thoại trong các hình thức khác nhau. Triều Tiên không chỉ một lần tuyên bố sẵn sàng trở lại đàm phán sáu bên nhưng với điều kiện đối phương phải thực sự thiện chí.

Mỹ-Hàn nên từ bỏ chính sách “cây gậy” đối với Triều Tiên - 3

Các động thái cứng rắn của Triều Tiên là nhằm đạt thuận lợi trong đàm phán?

Tuy nhiên, người Mỹ luôn đòi hỏi để trước hết Triều Tiên phải cho phép các thanh tra quốc tế vào lãnh thổ nước này, đóng cửa tất cả các cơ sở hạt nhân, và trên thực tế là đơn phương giải giáp vũ khí. Đương nhiên, Bình Nhưỡng cho rằng những yêu cầu này là không thể chấp nhận.

Khi những nỗ lực hòa bình toàn gặp phải phản ứng và đòi hỏi cứng rắn, Bình Nhưỡng đi đến kết luận rằng đối thoại với Washington và Seoul là chuyện vô ích, bởi mục tiêu của họ là thay đổi chế độ ở Triều Tiên.

Tháng 1 năm nay, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama còn đưa ra tuyên bố, nước Mỹ sẽ tăng cường tác động phân hóa chế độ từ bên trong, kể cả nhờ vào các phương tiện truyền thông và Internet.

Ngay sau đó, Bình Nhưỡng công bố ngừng mọi cố gắng để đạt đối thoại và quyết đi theo con đường riêng của mình, đồng thời xây dựng kinh tế và chế tạo phương tiện hạt nhân răn đe.

Mỹ-Hàn nên từ bỏ chính sách “cây gậy” đối với Triều Tiên - 4

Chỉ có sự chận thành mới mang được hòa bình về bán đảo Triều Tiên

Như vậy, việc nối lại cuộc đàm phán sáu bên hoàn toàn không giản đơn. Bây giờ nhiều điều phụ thuộc vào kết quả chuyến đi của ông Hwan Chung-guk đến Washington. Tức là, tùy thuộc vào chuyện Mỹ và Hàn Quốc có lựa chọn được lập trường hợp lý hơn chăng để Bình Nhưỡng cũng có thể chấp thuận.

Bình Nhưỡng cho rằng, Hàn Quốc và Mỹ không lúc nào từ bỏ âm mưu làm họ suy yếu để nuốt chửng miền Bắc. Những đe dọa không buộc được Triều Tiên từ bỏ con đường này.

Do đó, điều cần thiết ở đây là một nỗ lực dài hạn của Seoul và Washington cho Bình Nhưỡng thấy sự chân thành. 2 nước này cần nên bỏ những tuyên truyền chống phá và hạn chế các cuộc tập trận mà Bình Nhưỡng cho rằng chúng mang tính chất khiêu khích và luyện tập khả năng “xâm lược Triều Tiên”.

Đã không cố đe dọa được bằng “Cây gậy” thì nên dùng “Củ cà rốt”, phương Tây cần phải cho Bình Nhưỡng thấy được sự chân thành của họ hướng tới cuộc đối thoại bình đẳng.

Theo Huy Bình

Đất Việt

Mỹ-Hàn nên từ bỏ chính sách “cây gậy” đối với Triều Tiên - 5