1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Trump quyết tâm chấm dứt xung đột Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Cả Nga và Mỹ đều phát tín hiệu tích cực về khả năng giải quyết hòa bình cuộc xung đột kéo dài 3 năm ở Ukraine.

Tổng thống Trump quyết tâm chấm dứt xung đột Ukraine - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty).

Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Mike Waltz ngày 20/2 tuyên bố Tổng thống Donald Trump quyết tâm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.

"Tổng thống đã sẵn sàng chấm dứt cuộc chiến. Ông ấy đã nói rõ điều này nhiều lần", ông Waltz cho biết.

Theo ông Waltz, chính quyền Mỹ trước đây "thậm chí còn không thực sự cố gắng" giải quyết xung đột, nhưng bây giờ "Tổng thống Trump đang làm những gì ông ấy nên làm với tư cách là một nhà lãnh đạo và thúc đẩy ngoại giao cứng rắn với sức mạnh và vai trò lãnh đạo".

Ông Waltz nói thêm rằng Mỹ đã "làm rất nhiều cho an ninh của Ukraine", đồng thời cho biết yêu cầu của Washington về việc đạt được thỏa thuận về đất hiếm như một cách để bù đắp viện trợ đã cung cấp cho Kiev là công bằng.

"Tôi không nghĩ việc nói rằng chúng tôi sẽ thay đổi bản chất viện trợ của mình trong tương lai sẽ làm mất lòng bất kỳ ai", quan chức Mỹ nhấn mạnh.

Vào đầu tháng 2, Tổng thống Trump cho biết Washington quan tâm đến việc tiếp cận nguồn đất hiếm từ Ukraine, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ sự sẵn sàng đạt được thỏa thuận và gợi ý rằng kết quả của các cuộc đàm phán có thể được ấn định tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra vào ngày 14-16/2.

Tuy nhiên, vào ngày 14/2 tại Munich, Ukraine đã bác bỏ kế hoạch của chính quyền Mỹ về việc cung cấp hỗ trợ cho Ukraine để đổi lấy việc cấp cho Washington quyền khai thác đối với 50% trữ lượng đất hiếm của Ukraine. Tổng thống Zelensky cho biết không có đảm bảo an ninh nào trong thỏa thuận được đề xuất.

Tín hiệu tích cực từ Nga

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 20/2 tuyên bố Moscow đồng ý với chính quyền mới của Mỹ rằng việc giải quyết xung đột nên được thực hiện thông qua các cuộc đàm phán ngoại giao.

"Các đại diện của chính quyền mới tại Mỹ khẳng định điều cần thiết là phải thiết lập hòa bình càng sớm càng tốt và điều này nên được thực hiện thông qua các cuộc đàm phán ngoại giao. Lập trường này phù hợp với chúng tôi hơn so với lập trường của chính quyền Mỹ trước đây", ông Peskov nói.

"Đây là điểm mà chúng tôi hoàn toàn đồng ý với chính quyền mới của Mỹ. Chúng tôi cũng tin rằng tất cả mục tiêu đã đặt ra nên đạt được thông qua các biện pháp hòa bình, thông qua các cuộc đàm phán ngoại giao", ông Peskov nói thêm.

Người phát ngôn Điện Kremlin cũng nhắc lại rằng chính quyền Mỹ trước đây "chưa bao giờ đưa ra bất kỳ mục tiêu nào để khởi xướng một tiến trình hòa bình", thay vào đó họ chỉ nói "về chiến tranh".

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết tại cuộc đàm phán ở Ả rập Xê út, Nga và Mỹ đã thảo luận chi tiết về nhu cầu giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine bằng cách loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột.

"Việc chấm dứt xung đột bị cản trở bởi sự hỗ trợ tài chính không kiểm soát và việc chuyển vũ khí cho chính quyền Kiev. Tuy nhiên, có một nhận thức dần dần rằng chỉ có thể tìm ra giải pháp bằng cách giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng ở Ukraine, bao gồm thực hiện các nghĩa vụ tôn trọng nhân quyền, trong đó có quyền ngôn ngữ và tôn giáo, đồng thời tuân thủ nguyên tắc không thể chia cắt an ninh ở châu Âu. Một cuộc thảo luận chi tiết về các vấn đề này đã diễn ra trong cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga tại Riyadh vào ngày 18/2", ông Lavrov phát biểu tại một cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao Nhóm G20.

Các phái đoàn Nga và Mỹ đã tổ chức cuộc đàm phán tại Riyadh ở Ả rập Xê út vào ngày 18/2. Nga có đại diện là Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Trợ lý Tổng thống Yury Ushakov và Tổng giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev.

Phái đoàn Mỹ gồm Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên về Trung Đông Steve Witkoff.

Theo trợ lý tổng thống Nga, hai phái đoàn đã có cuộc thảo luận nghiêm túc về tất cả vấn đề mà hai bên muốn thảo luận, đặc biệt là đưa lập trường của Nga và Mỹ xích lại gần nhau hơn cũng như các cuộc trao đổi về Ukraine.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ngoại trưởng Nga và Mỹ đã nhất trí tại cuộc họp về việc thành lập các nhóm đàm phán và hợp tác trong tương lai về các vấn đề lợi ích địa chính trị chung.

Theo Tass