1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ giải thích quan điểm về lãnh thổ trong thỏa thuận tiềm năng Nga-Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng sau khi Washington nêu quan điểm rằng việc Ukraine khôi phục toàn bộ lãnh thổ bị Nga kiểm soát là không thực tế.

Mỹ giải thích quan điểm về lãnh thổ trong thỏa thuận tiềm năng Nga-Ukraine - 1

Ông Keith Kellogg, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Ukraine và Nga (Ảnh: Getty).

Trả lời phỏng vấn Fox News ngày 13/2, ông Keith Kellogg, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Nga và Ukraine, cho biết ông ủng hộ phát biểu của Tổng thống Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth rằng việc giúp Ukraine trở lại biên giới năm hậu xung đột là "không thực tế".

Theo ông, việc chính thức hóa các tổn thất lãnh thổ của Ukraine trong một thỏa thuận hòa bình tiềm năng không nhất thiết có nghĩa là công nhận chúng.

"Tôi tin rằng sẽ có một số thỏa thuận về việc mất lãnh thổ (của Ukraine). Nhưng nghe này, bạn thực sự không cần phải thừa nhận điều đó", ông nói.

Đặc phái viên của Tổng thống Trump đề cập đến Tuyên bố Welles được Mỹ ban hành năm 1940 sau khi Liên Xô kiểm soát các nước vùng Baltic. "Khi Liên Xô tách biệt các nước vùng Baltic, chúng tôi chưa bao giờ nói họ sở hữu các nước này", ông Keith Kellogg cho biết.

Vì vậy, theo quan điểm của ông, vấn đề lãnh thổ cần được coi là vấn đề lâu dài, "nhưng là một phần của cuộc đàm phán".

Ông nhấn mạnh: "Chúng ta cần một nền hòa bình thực sự, ổn định và thực sự an toàn cho đến khi có được một thỏa thuận an ninh giữa tất cả các bên - một thỏa thuận lâu dài và bền vững".

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth khẳng định việc khôi phục biên giới của Ukraine về trước năm 2014 là không thực tế.

Ngoài ra, ông cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump không coi việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một phần của giải pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Ông cũng nói với các đồng minh NATO, họ sẽ phải đảm nhận trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh của châu Âu.

"Nếu triển khai lực lượng đến Ukraine để gìn giữ hòa bình, đó nên là lực lượng ngoài NATO và không liên quan đến Điều 5", ông nhấn mạnh.

Đây được coi là tuyên bố công khai rõ ràng và thẳng thắn nhất từ trước đến nay về quan điểm của chính quyền Mỹ đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài gần 3 năm qua.

Tuy nhiên, quan điểm này đã vấp phải một số ý kiến chỉ trích. Cựu cố vấn an ninh quốc gia trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, John Bolton, cho rằng chính quyền mới chưa đàm phán đã nhượng bộ Nga.

Đáp lại những chỉ trích, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ông Hegseth cho hay "chủ nghĩa hiện thực là một phần quan trọng của đối thoại, trước đây cũng có nhưng chưa đầy đủ". Ông cũng khẳng định quan điểm của chính quyền Tổng thống Trump "không phải là một sự nhượng bộ với Nga".

"Đó là sự thừa nhận thực tế về quyền lực cứng trên thực địa, sau rất nhiều sự hy sinh, đầu tiên là của người Ukraine và sau đó là của các đồng minh, và tiếp đó là nhận thức rằng hòa bình được đàm phán sẽ là một dạng phân định ranh giới mà không bên nào muốn", ông nói.

Theo Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine