1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

NATO giải mã tín hiệu từ Mỹ về Ukraine sau cuộc điện đàm Trump - Putin

Minh Phương

(Dân trí) - Sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Ukraine và các đối tác phương Tây lo ngại Kiev sẽ ở thế bất lợi hơn trong cuộc hòa đàm tiềm năng với Moscow.

NATO giải mã tín hiệu từ Mỹ về Ukraine sau cuộc điện đàm Trump - Putin - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

Cuộc họp hôm 12/2 tại trụ sở NATO ở Brussels, trên giấy tờ, là về việc điều phối viện trợ quân sự cho Ukraine và chào mừng tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth gia nhập cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, trên thực tế, đó là ngày chứng kiến chính quyền Tổng thống Trump thay đổi cách tiếp cận của liên minh đối với cuộc chiến kéo dài gần 3 năm này, đưa ra tầm nhìn dường như đáp ứng được một số yêu cầu chính của Moscow.

Tổng thống Donald Trump ngày 12/2 đã điện đàm riêng rẽ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, đánh dấu nỗ lực ngoại giao rõ ràng nhất kể từ khi ông nhậm chức nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev.

Tuy nhiên, chủ nhân Nhà Trắng khiến nhiều người nghi ngại về một thỏa thuận hòa bình bất lợi hơn cho Ukraine.

Sau cuộc điện đàm, ông Trump tuyên bố, Mỹ và Nga sẽ bắt đầu ngay các cuộc đàm phán về giải pháp xung đột Ukraine. Ông cũng cho rằng, kế hoạch của Ukraine gia nhập NATO và khôi phục toàn bộ lãnh thổ là "không thực tế".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cũng khẳng định Mỹ không coi tư cách thành viên của Ukraine ở NATO là một phần giải pháp, trong khi mục tiêu của Kiev khôi phục đường biên giới trước năm 2014 không thực tế. Ngoài ra, ông nhấn mạnh, Mỹ sẽ không tham gia bất kỳ sự hiện diện an ninh nào ở Ukraine.

Ông Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama từ năm 2012 đến năm 2014, đã đặt câu hỏi về chiến lược của chính quyền ông Trump đối với Nga và Ukraine trước các cuộc đàm phán sắp diễn ra.

"Tại sao chính quyền của ông Trump lại tặng quà cho Nga, cả đất đai Ukraine và không có tư cách thành viên NATO cho Ukraine, trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu?", ông nói.

Nga hiện kiểm soát khoảng 20%  lãnh thổ Ukraine và yêu cầu Kiev công nhận chủ quyền của Nga đối với các vùng đất đó. Moscow cũng đề nghị Ukraine duy trì tình trạng trung lập theo bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.

Trong khi đó, Ukraine yêu cầu Nga rút hết quân, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và muốn trở thành thành viên NATO hoặc có được đảm bảo an ninh từ Mỹ và châu Âu để ngăn Moscow tấn công lần nữa.

Tuy các quan chức chính quyền ông Trump đã đưa ra tín hiệu trong một thời gian dài rằng họ sẽ không ủng hộ tất cả các mục tiêu của Ukraine, nhưng những phát biểu mới của chủ nhân Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã khiến các đồng minh châu Âu phải sửng sốt.

Cựu Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis bình luận trên mạng xã hội X: "Không có tư cách thành viên NATO, không có sự hiện diện của quân đội? Nghe như (Mỹ) đang bỏ rơi Ukraine. Phái đoàn của họ đến Munich không phải để đàm phán mà để thông báo tin xấu cho Ukraine".

Đáp lại những tuyên bố từ chính quyền ông Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey cho biết: "Chúng tôi với tư cách là một liên minh NATO luôn nói rõ rằng vị trí chính đáng của Ukraine là trong NATO. Đó là một quá trình sẽ mất một thời gian".

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur nhìn nhận vấn đề đơn giản hơn. Ông lập luận: "Điều mà ông Pete Hegseth nói là kết quả của các cuộc đàm phán hòa bình không thể là tư cách thành viên của NATO. Nhưng ông ấy không loại trừ khả năng một ngày nào đó Ukraine có thể trở thành thành viên của NATO".

Stephen Wertheim, thành viên cấp cao tại tổ chức Carnegie Endowment, mô tả phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth là một "sự nhượng bộ trước thực tế", và "không ngụ ý bất kỳ sự sẵn sàng nào của Mỹ trong việc công nhận lãnh thổ Ukraine bị kiểm soát là của Nga về mặt pháp lý".

Trong bối cảnh hòa đàm Nga - Ukraine vẫn khó đoán định, ngoại trưởng các nước hàng đầu châu Âu, bao gồm Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Italy, Ba Lan, Đức, cũng như đại diện của Liên minh châu Âu, đã đưa ra tuyên bố chung về sự cần thiết của châu Âu để tham gia vào các cuộc đàm phán trong tương lai về giải quyết xung đột. Các nhà ngoại giao khẳng định sẵn sàng tăng cường hỗ trợ cho Ukraine và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp cho nước này những đảm bảo an ninh mạnh mẽ.

Theo Avia Pro
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine