1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga bắt đầu lập phái đoàn đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Điện Kremlin cho biết, Nga đã bắt đầu lập phái đoàn đàm phán với Mỹ về các vấn đề, trong đó có giải pháp cho cuộc chiến ở Ukraine.

Nga bắt đầu lập phái đoàn đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc gặp năm 2017 (Ảnh: TASS).

"Việc thành lập phái đoàn đàm phán đã bắt đầu. Ngay sau khi Tổng thống đưa ra các quyết định liên quan, chúng tôi sẽ thông báo cho các bạn", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 13/2 trả lời câu hỏi của phóng viên liệu Moscow đã bắt đầu lập phái đoàn đàm phán với Mỹ về Ukraine hay chưa.

Ông Peskov từ chối tiết lộ liệu quan chức nào sẽ dẫn đầu phái đoàn của Nga.

Thông tin được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về cuộc xung đột Ukraine và các vấn đề song phương.

Ông Peskov cho rằng, cuộc điện đàm có ý nghĩa vô cùng quan trọng sau những gì xảy ra trong những năm qua khi không có liên hệ cấp cao giữa Nga và Mỹ.

Người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh, chính quyền của ông Trump có quan điểm "phải làm mọi thứ để chấm dứt chiến tranh và đạt được hòa bình".

"Chúng tôi ấn tượng hơn nhiều với quan điểm của chính quyền hiện tại và chúng tôi sẵn sàng đối thoại", ông Peskov cho biết.

Trong chiến dịch tranh cử và sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Ông tuyên bố sẽ tìm cách đưa Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán.

Hiện chưa rõ cách thức của ông để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, sau các cuộc điện đàm với lãnh đạo Nga và Ukraine hôm qua, ông Trump nêu rõ việc Ukraine gia nhập NATO và khôi phục toàn bộ lãnh thổ là "không thực tế".

Bình luận này của chủ nhân Nhà Trắng khiến giới chức phương Tây lo ngại một cuộc hòa đàm bất lợi hơn cho Ukraine. Có ý kiến cho rằng chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ "bỏ rơi" Kiev.

Trước những ý kiến này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nhấn mạnh những nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm mang lại hòa bình cho Ukraine, đồng thời cho rằng cuộc điện đàm của ông Trump với ông Putin không nên bị coi là một "sự phản bội". Ông lưu ý, không quốc gia nào hỗ trợ Ukraine nhiều bằng Mỹ.

"Không có sự phản bội ở đây. Chỉ có sự thừa nhận rằng thế giới và Mỹ đều đầu tư và quan tâm đến hòa bình, một nền hòa bình được thương lượng. Như Tổng thống Trump đã nói, hãy ngừng giết chóc. Vì điều đó, chúng tôi yêu cầu cả 2 bên thừa nhận những điều họ không muốn", Bộ trưởng Hegseth nói.

Về phía NATO, Tổng thư ký Mark Rutte nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Ukraine phải được tham gia sâu vào tất cả các quá trình đàm phán.

Châu Âu khẳng định tương lai của Ukraine không thể quyết định mà không có sự tham gia của Kiev và các đồng minh phương Tây.

Giới ngoại giao châu Âu từ lâu đã lo ngại về kịch bản đàm phán song phương giữa ông Trump và ông Putin, bỏ qua Ukraine và các nước phương Tây.

Theo TASS
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine