Mỹ dùng “ngoại giao quốc phòng” đối phó Trung Quốc tại quốc gia Nam Á
(Dân trí) - Mỹ đang gia tăng chiến lược “ngoại giao quốc phòng” với Bangladesh trong nỗ lực nhằm giành thêm một đối tác mới nổi ở Nam Á, nơi Trung Quốc đang dần mở rộng tầm ảnh hưởng về kinh tế.
Theo Nikkei, để đối phó Trung Quốc ở Bangladesh, Mỹ hiện đang nỗ lực thuyết phục quốc gia Nam Á mua thêm khí tài quân sự của Washington trong những tuần qua.
Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã điện đàm với Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina - người đồng thời phụ trách Bộ Quốc phòng. Trong cuộc trao đổi, ông Esper đã cam kết giúp Bangladesh hiện đại hóa nền quân sự tới năm 2030.
Hai quốc gia đã trao đổi về các thương vụ mua bán khí tài quân sự hiện đại như trực thăng Apache và tên lửa. Một thương vụ dường như có dấu hiệu đã hình thành, dù chưa có chi tiết nào được tiết lộ. Theo Nikkei, bất cứ thương vụ vũ khí nào cũng được cho sẽ khiến Trung Quốc không hài lòng, khi Bắc Kinh hiện là nhà cung cấp thiết bị quốc phòng giá rẻ lớn nhất cho Bangladesh.
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Laura Stone cho biết Washington đang nỗ lực gia tăng hợp tác an ninh với Bangladesh với sự tôn trọng tuyệt đối chủ quyền và khả năng độc lập hành động của Dhaka.
Theo Nikkei, mặc dù Bangladesh đã mua nhiều vũ khí hơn từ Mỹ trong những năm qua, nhưng tổng giá trị mà Dhaka mua từ Washington hiện vẫn đang thấp hơn nhiều so với các thương vụ khí tài với Trung Quốc trong khoảng thời gian 2010 - 2019.
Ali Riaz, giáo sư về khoa học chính trị tại đại học bang Illinois (Mỹ), cho rằng thời điểm của cuộc điện đàm mà ông Esper thực hiện là “rất quan trọng” vì quan hệ với Bắc Kinh và Dhaka đang trở nên nồng ấm hơn.
Trên thực tế, Nikkei cho rằng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Bangladesh hiện vượt ra ngoài các khoản đầu tư về thương mại và cơ sở hạ tầng. Sau đại dịch Covid-19, Trung Quốc gửi hàng hóa tiếp tế như khẩu trang, đồ bảo hộ và nhân lực y tế tới Bangladesh. Ngoài ra, công ty Sinovac của Trung Quốc cũng đang thử vắc xin giai đoạn 3 tại Bangladesh.
Trung Quốc gần đây đã dỡ bỏ thuế quan đối với 97% hàng hóa nhập khẩu của Bangladesh sau khi Bắc Kinh nhận được một hợp đồng xây dựng nhà ga sân bay trị giá 250 triệu USD tại thành phố Sylhet, giáp với Ấn Độ.
“Ngoại giao quốc phòng” của Mỹ
“Ngoại giao quốc phòng” là một phần trong chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương mở rộng của Mỹ. Năm 2019, Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu công bố báo cáo về chính sách trên và xếp Bangladesh cùng Sri Lanka, Nepal và Maldives vào danh sách “đối tác mới nổi” ở Nam Á.
Mỹ cho rằng an ninh hàng hải và khu vực ở Nam Á là rất quan trọng để đảm bảo Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, mở, hòa bình và thịnh vượng, cũng như mang lại lợi ích cho mọi quốc gia.
Trong thời gian qua, Trung Quốc được xem đang gia tăng ảnh hưởng ở Nam Á, với sáng kiến “Một vành đai, một con đường”. Điều này dường như đã dẫn tới việc Mỹ phải hành động.
Theo SCMP, Mỹ hồi đầu tháng ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng với quốc đảo du lịch Maldives trong bối cảnh Washington tăng cường liên kết đồng minh tại Ấn Độ - Thái Bình Dương để đối phó Trung Quốc.
Mỹ và Bangladesh trên thực tế đã hợp tác với nhau về an ninh trên nhiều lĩnh vực từ chống khủng bố tới gìn giữ hòa bình.
Chuyên gia Amena Mohsin từ đại học Dhaka (Bangladesh) nhận định Mỹ coi Bangladesh có tầm quan trọng chiến lược và Mỹ đang thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương để đối đầu với “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
Nhà cựu ngoại giao M. Humayun Kabir cho rằng Bangladesh có thể sẽ rơi vào tình thế khó xử vì họ vẫn đang coi cả Mỹ và Trung Quốc là bạn.