1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ hợp tác quốc phòng với Maldives, đẩy lùi Trung Quốc ở Ấn Độ Dương

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Maldives trong bối cảnh Washington tăng cường liên kết đồng minh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đối phó Trung Quốc.

Mỹ hợp tác quốc phòng với Maldives, đẩy lùi Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - 1

Cầu hữu nghị Trung Quốc - Maldives nối thủ đô Male và đảo Hulhule. (Ảnh: Xinhua)

Thỏa thuận khung về hợp tác quốc phòng và an ninh giữa Mỹ và Maldives được ký kết tại thành phố Philadelphia (Mỹ) giữa Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Đông Á và Đông Nam Á Reed Werner và Bộ trưởng Quốc phòng Maldives Mariya Didi vào ngày 10/9.

"Thỏa thuận khung nêu rõ mong muốn của cả hai nước nhằm tăng cường hợp tác trong việc hỗ trợ duy trì hòa bình và an ninh ở Ấn Độ Dương, đồng thời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ đối tác quốc phòng", Lầu Năm Góc thông báo.

Trong các cuộc thảo luận sau khi ký thỏa thuận, Bộ trưởng Quốc phòng Maldives Mariya Didi cho biết thỏa thuận sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước.

Bộ trưởng Didi nói rằng hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gắn liền với lợi ích tốt nhất của cả hai nước. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác và đối thoại song phương, trong bối cảnh các mối đe dọa xuyên quốc gia ngày càng tăng như cướp biển, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, khủng bố và buôn bán bất hợp pháp, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát.

Theo một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Maldives, thỏa thuận khung với Mỹ đã vạch ra nhiều hoạt động song phương, bao gồm đối thoại cấp cao, thảo luận, hợp tác và tìm kiếm cơ hội trong các lĩnh vực như nâng cao nhận thức về biển, thiên tai và hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Theo Bộ trưởng Didi, chính phủ Maldives coi thỏa thuận với Mỹ là một "cột mốc quan trọng" trong hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước.

Lầu Năm Góc cho biết hai quan chức Mỹ và Maldives cũng thảo luận về sự hỗ trợ của Washington đối với quốc đảo Thái Bình Dương trong việc ứng phó với dịch Covid-19 và các lĩnh vực hợp tác trong tương lai. Hai bên cũng nhất trí phối hợp để lên kế hoạch tổ chức Đối thoại Quốc phòng và An ninh đầu tiên.

Cả Mỹ và Maldives đều tái khẳng định cam kết về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do nhằm thúc đẩy an ninh và thịnh vượng của tất cả quốc gia trong khu vực. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao gồm nhiều vùng biển và eo biển kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Ảnh hưởng của Trung Quốc

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giàu tài nguyên cũng là nơi Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình. Trong khi đó, Mỹ đang thúc đẩy vai trò lớn hơn của Ấn Độ tại khu vực có tầm quan trọng chiến lược này.

Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát cảng Gwadar chiến lược của Pakistan trên biển Ả Rập và cạnh tranh ảnh hưởng với Ấn Độ.

Trung Quốc cũng tăng cường các hoạt động tại Biển Đông và biển Hoa Đông, thúc đẩy yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh tại các vùng biển này, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

Maldives, quốc đảo Ấn Độ Dương nổi tiếng với phong cảnh du lịch như thiên đường, đã trở thành tâm điểm trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc. Chính quyền mới của Tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih đang nỗ lực tìm cách tái cơ cấu khoản nợ với Trung Quốc khi quốc đảo này gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản vay từ Bắc Kinh.

Tháng 12/2019, Ngoại trưởng Maldives Abdulla Shahid nói rằng Trung Quốc là nhà viện trợ hào phóng, tuy nhiên chính quyền cựu Tổng thống Abdulla Yameen đã vay mượn Bắc Kinh quá nhiều mà không có phương án dự phòng phù hợp cho việc trả lại các khoản tiền này.

Trong nhiệm kỳ lãnh đạo 5 năm của mình, ông Yameen, một cựu tổng thống thân Trung Quốc, đã phụ thuộc rất lớn vào Bắc Kinh trong việc tiếp nhận các khoản hỗ trợ về tài chính. Ông Yameen đã bị kết án 5 năm tù cùng số tiền phạt lên tới 5 triệu USD với tội danh tham nhũng, sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào cuối năm 2018.

Maldives hiện “phụ thuộc” rất lớn vào Trung Quốc. Trung Quốc trở thành một trong những nguồn nhập khẩu chính của Maldives, sánh ngang đối tác thương mại lâu năm của Maldives là Ấn Độ.

Tổng thống Ibrahim đã gặp đại sứ Trung Quốc tại Maldives và biết được rằng quốc đảo này không chỉ nợ Trung Quốc khoản tiền hơn 1 tỷ USD như các con số ước tính. Thực chất, số tiền Maldives nợ Bắc Kinh đã lên tới gần 3 tỷ USD.

8 năm trước, Trung Quốc chưa có đại sứ quán tại Maldives, quốc đảo gồm 1.192 đảo san hô lớn nhỏ và hầu hết không có người ở. Còn bây giờ, người Trung Quốc chiếm 1/4 số khách du lịch nước ngoài tại Maldives, trong khi khoảng 2/3 nợ nước ngoài của Maldives rơi vào tay Trung Quốc.

Các công ty Trung Quốc được cho là đã thuê lại ít nhất 7 đảo ở Maldives. Một hòn đảo nằm cách thủ đô Male chỉ bằng một chuyến tàu cao tốc đã được Maldives cho Trung Quốc thuê lại với giá 4 triệu USD trong vòng 50 năm. Mức giá này được cho là thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm