Mỹ đưa 12.000 binh sĩ đến sát vách Nga
(Dân trí) - Mỹ quyết định đưa 12.000 binh sĩ đến gần Nga nhằm bảo vệ "từng tấc đất" của NATO, nhưng không có kế hoạch triển khai lực lượng ở Ukraine để tránh Thế chiến thứ 3.
Theo Sputnik, trong một bài phát biểu ở Philadelphia hôm 11/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Mỹ sẽ bảo vệ "từng tấc đất" của NATO và do vậy đã điều động hơn 12.000 binh sĩ đến đồn trú tại các nước đồng minh gần biên giới Nga. Cụ thể, chủ nhân Nhà Trắng cho biết, Mỹ đã triển khai binh sĩ đến Latvia, Estonia, Lithuania, Romania và một số nước khác ở Đông Âu.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng với các đồng minh ở châu Âu và đưa ra thông điệp nhất quán rằng chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc đất của NATO. Đó là lý do tại sao tôi đã điều động hơn 12.000 binh sĩ đến các khu vực gần biên giới Nga ở Latvia, Estonia, Lithuania, Romania và một số nước khác", Tổng thống Biden nói.
Tổng thống Biden cũng tuyên bố tiếp tục hỗ trợ Ukraine, song không có ý định điều binh sĩ đến Ukraine tham chiến do lo ngại nguy cơ nổ ra Thế chiến thứ 3. "Chúng tôi đảm bảo rằng, Ukraine sẽ có thêm vũ khí để phòng vệ trước các lực lượng của Nga. Chúng tôi sẽ hỗ trợ tài chính, lương thực để giúp đỡ người dân Ukraine. Chúng tôi sẵn sàng mở rộng vòng tay tiếp nhận người tị nạn Ukraine, và thực tế họ đang đến đây", người đứng đầu chính phủ Mỹ cho biết.
Mỹ và các đồng minh tiếp tục hỗ trợ tài chính, trang thiết bị quân sự cho Ukraine nhằm đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Tuy nhiên, đến nay, Mỹ bác bỏ đề xuất cung cấp máy bay chiến đấu hay lập vùng cấm bay ở Ukraine do lo ngại xung đột trực tiếp với Nga.
Lầu Năm Góc cho rằng, các hệ thống vũ khí nhỏ hơn như tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa phòng không Stinger mà các đồng minh đang chuyển đến cho Ukraine gần như hàng ngày hữu ích hơn.
"Chúng tôi tin rằng cách tốt nhất để hỗ trợ phòng thủ của Ukraine là cung cấp cho họ các loại vũ khí, các hệ thống mà họ cần để đối phó với lực lượng của Nga, đặc biệt là hệ thống phòng không, chống tăng", Reuters dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết.
Ngoài cung cấp trang thiết bị quân sự cho Ukraine, Mỹ và các đồng minh còn tăng sức ép lên Nga bằng các lệnh trừng phạt. Tổng thống Biden cho biết, các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng đã có tác động mạnh làm suy yếu nền kinh tế của Nga.
Chủ nhân Nhà Trắng cho biết thêm, Washington và các đồng minh có kế hoạch gia tăng các nỗ lực tịch thu tài sản của giới tài phiệt Nga nhằm gây sức ép buộc Moscow chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.
"Các nước G7 đang tăng cường phối hợp tịch thu tài sản của giới tài phiệt Nga, trong đó có những du thuyền trị giá hàng trăm USD, những căn hộ hạng sang. Các lệnh trừng phạt kinh tế, hạn chế xuất khẩu đang giáng đòn vào kinh tế Nga", Tổng thống Biden nói.