Mỹ dọa tung "cây gậy và củ cà rốt", sẵn sàng đưa quân đến Ukraine
(Dân trí) - Mỹ không loại trừ khả năng viện trợ cho Ukraine trong tương lai có thể trở thành công cụ mặc cả trong các cuộc đàm phán với Nga.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussels hôm 14/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục cung cấp hỗ trợ an ninh được phân bổ cho Ukraine, nhưng ngụ ý rằng nguồn viện trợ trong tương lai có thể có điều kiện.
"Tôi nghĩ sẽ công bằng khi nói rằng, những thứ như nguồn viện trợ trong tương lai, ít hơn hoặc nhiều hơn, cũng có thể được đưa ra thảo luận trong các cuộc đàm phán", ông Hegseth cho biết.
Ông nhấn mạnh Tổng thống Trump sẽ quyết định biện pháp nào, "cây gậy hay củ cà rốt", được sử dụng trong các cuộc đàm phán tiềm năng với Nga để chấm dứt xung đột.
Tổng thống Trump từng ngụ ý rằng viện trợ của Mỹ cho Ukraine có thể gắn liền với các ưu đãi kinh tế, bao gồm cả việc tiếp cận khoáng sản đất hiếm của Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov ngày 13/2 cho biết NATO đang đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ Ukraine, ngay cả khi tương lai viện trợ quân sự của Mỹ vẫn chưa chắc chắn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth cho biết Washington không coi việc Ukraine gia nhập NATO là "kết quả thực tế" của các cuộc đàm phán. Tổng thống Trump đồng tình với lập trường này.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance ngày 13/2 tuyên bố các cuộc đàm phán về giải quyết xung đột Ukraine có thể dẫn đến một thỏa thuận khiến nhiều người bị "sốc".
Theo ông, Tổng thống Trump sẽ không tham gia vào việc giải quyết xung đột "với sự mù quáng".
"Ông Trump sẽ nói: "Mọi thứ đều nằm trên bàn đàm phán, chúng ta hãy đạt được một thỏa thuận"", ông Vance cho biết.
Báo Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời Phó Tổng thống Mỹ trong một cuộc phỏng vấn nói rằng, Washington sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow và có khả năng sẽ thực hiện hành động quân sự nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin không đồng tình với một thỏa thuận hòa bình nhằm đảm bảo nền độc lập lâu dài cho Ukraine.
Theo WSJ, ông Vance cho biết phương án gửi quân đội Mỹ đến Ukraine nếu Moscow không đàm phán một cách thiện chí vẫn "được đưa ra thảo luận".
"Chúng tôi có những công cụ kinh tế và tất nhiên có cả những công cụ quân sự để tạo đòn bẩy mà Mỹ có thể sử dụng đối với Nga", Phó Tổng thống Mỹ cảnh báo.
Ông Vance chỉ ra rằng, hiện vẫn còn quá sớm để xác định Ukraine có thể giữ lại bao nhiêu lãnh thổ, hay các bảo đảm an ninh của Mỹ và phương Tây dành cho Kiev sẽ như thế nào. Theo ông, những vấn đề này sẽ được giải quyết trong quá trình đàm phán.
Tổng thống Donald Trump tuần này đã có các cuộc điện đàm song phương với hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine. Ông Trump cho biết các cuộc điện đàm diễn ra "rất tích cực", đồng thời khẳng định cả lãnh đạo Nga và Ukraine đều sẵn sàng đàm phán chấm dứt xung đột.
Ông Trump khẳng định sẽ không loại trừ khả năng thắt chặt các lệnh trừng phạt Nga, trừ khi Moscow đồng ý đàm phán để giải quyết vấn đề ở Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã đưa ra các điều kiện để giải quyết tình hình ở Ukraine, bao gồm việc Ukraine rút quân khỏi Donbass và Novorossiya, đồng thời từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO.