1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mỹ điều tàu sân bay tới Biển Đông để dằn mặt Trung Quốc

(Dân trí) - Hải quân Mỹ đã điều một tàu sân bay cùng vài tàu chiến tới Biển Đông vài ngày qua, trong một cuộc triển khai tới một khu vực mà một đô đốc hàng đầu của Mỹ khẳng định hồi tuần trước là đang ngày càng bị Trung Quốc quân sự hóa.


Tàu sân bay USS John C. Stennis (Ảnh: U.S. Navy)

Tàu sân bay USS John C. Stennis (Ảnh: U.S. Navy)

Tờ Washington Post đưa tin, tàu sân bay USS John C. Stennis đã tới Biển Đông hôm 1/3. Đại tá hải quân Clay Doss, một phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, cho hay tháp tùng nó là tuần dương hạm Mobile Bay và hai tàu khu trục USS Stockdale và USS Chung-Hoon. Các tàu này tới tây Thái Bình Dương hôm 4/2 trong một cuộc triển khai từ Bờ Tây nước Mỹ.

Ông Doss cho biết tàu sân bay USS John C. Stennis đang tiến hành hoạt động tuần tra thông thường ở Biển đông, nơi Trung Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu, radar quân sự và tên lửa đất đối không trong những tuần gần đây.

Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện ở Biển Đông thường xuyên, ông Doss khẳng định. Tổng cộng các tàu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương đã có 700 ngày hoạt động ở Biển Đông trong năm ngoái.

Ngoài nhóm tác chiến tàu sân bay trên, tuần dương hạm USS Antietam đồn trú tại Nhật Bản hiện cũng đang tuần tra Biển Đông. Tàu khu trục USS McCambell và tàu đổ bộ tấn công USS Ashland cũng hoàn thành các cuộc tuần tra tương tự hồi tuần trước.

Không rõ liệu các tàu trên có tiến hành cuộc tuần tra tự do hàng hải nào hay không và khi nào.

Hải quân Mỹ đã tiến hành 2 cuộc tuần tra tự do hàng hàng hải ở Biển Đông từ tháng 10 năm ngoái, sử dụng các tàu khu trục để vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông.

Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, nhưng Lầu Năm Góc nói rằng hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tại đây vì Biển Đông từ lâu được coi là vùng biển quốc tế. Bắc Kinh thì gọi các cuộc tuần tra của Mỹ là khiêu khích.


Một trực thăng MH-60R Sea Hawk hạ cánh trên tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Chung-Hoon tại biển Philippines hồi tuần trước. (Ảnh: U.S. Navy)

Một trực thăng MH-60R Sea Hawk hạ cánh trên tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Chung-Hoon tại biển Philippines hồi tuần trước. (Ảnh: U.S. Navy)

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng bành trướng ở Biển Đông. Sau khi có thông tin Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không hiện đại tới quần đảo Hoàng Sa, người đứng đầu Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, khẳng định Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông.

“Tôi cho rằng rõ ràng Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông. Chỉ có người tin Trái Đất phẳng mới nghĩ khác”, ông Harris phát biểu trong một phiên điều trần hôm 24/2.

Đại tá Clay Doss đã giảm nhẹ sự hiện diện dày đặc của Mỹ trong khu vực.

“Các tàu và máy bay của chúng tôi hoạt động thường xuyên trên khắp vùng biển tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, đã nhiều thập niên qua. Chỉ riêng trong năm 2015, các tàu của Hạm đội Thái Bình Dương đã hoạt động tổng cộng khoảng 700 ngày ở Biển Đông”, tờ Navy Times dẫn lời ông Doss.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng việc tàu sân bay Stennis và các tàu khác được điều tới Biển Đông là một tín hiệu rõ ràng gửi tới Trung Quốc và khu vực.

“Rõ ràng Hải quân và Bộ Quốc phòng Mỹ đang chứng tỏ cam kết đầy đủ đối với sự hiện diện và tự do hàng hải trong khu vực”, Jerry Hendrix, một Đại tá Hải quân về hưu và là nhà phân tích tại Trung tâm an ninh Mỹ mới tại thủ đô Washington, nhận định.

“Với nhóm tác chiến tàu sân bay và tàu chỉ huy, Hải quân Mỹ đang cho thấy phạm vi quan tâm và khả năng nhằm tăng cường sự hiện diện và sức mạnh khắp thế giới”, ông Hendrix nhấn mạnh.

An Bình