1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ dằn mặt Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân tại Syria?

Mỹ vừa đưa ra tuyên bố loại trừ giải pháp quân sự cho cuộc xung đột tại Syria trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang lăm le triển khai kế hoạch B.

Mỹ loại trừ giải pháp quân sự tại Syria

Ngày 7/3, trả lời phỏng vấn tờ The National của Abu Dhabi trong chuyến thăm đến Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã loại trừ khả năng về một giải pháp quân sự nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Syria, đồng thời kêu gọi các bên liên quan ở quốc gia Trung Đông này tiếp tục thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp chính trị bất chấp nhiều khó khăn và thách thức.

“Một giải pháp chính trị giữa các bên liên quan tại Syria là cách duy nhất để chấm dứt tình hình bạo lực, cũng như mang lại cơ hội cho người dân nước này khôi phục đất nước, qua đó thiết lập một hệ thống đáng tin cậy, toàn diện, không chia bè kết phái; một hiến pháp mới cùng các cuộc bầu cử tự do và công bằng”, ông Joe Biden nhấn mạnh.

Phó Tổng thống Mỹ cũng nhận định lệnh ngừng bắn giữa Chính phủ Syria và phe đối lập từ ngày 27/2 tuy "không hoàn hảo," song cũng phần nào giúp giảm thiểu tình trạng bạo lực trên lãnh thổ nước này cũng như mở đường cho việc chuyển hàng viện trợ nhân đạo đến người dân.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã loại trừ khả năng về một giải pháp quân sự nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Syria.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã loại trừ khả năng về một giải pháp quân sự nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Syria.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry trong cuộc điện đàm ngày 4/3 đã kêu gọi nhanh chóng khởi động vòng đàm phán hòa bình tiếp theo về Syria.

Theo hãng tin Nga TASS, thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết tại cuộc điện đàm theo đề xuất của Mỹ, hai ngoại trưởng đã xem xét việc thực hiện thỏa thuận chấm dứt các hoạt động quân sự tại Syria do Moskva và Washington bảo trợ từ ngày 27/2, cũng như thực hiện nghị quyết 2268 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về ủng hộ quy chế ngừng bắn tại Syria.

Trên cơ sở đó, hai ngoại trưởng Nga và Mỹ đã kêu gọi nối lại càng sớm càng tốt các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Syria và phe đối lập, để người dân Syria có thể tự quyết định tương lai của đất nước mình. Ngoại trưởng Nga và Mỹ cũng tái khẳng định sự cần thiết phải hợp tác nhằm đảm bảo chấm dứt các hành động thù địch ở Syria.

Những tuyên bố trên có thể thấy, Nhà Trắng đang thể hiện thái độ và quan điểm cứng rắn về việc tìm kiếm cũng như duy trì một giải pháp chính trị tích cực thay thế cho các hoạt động quân sự tại quốc gia Trung Đông này.

Mỹ đang cảnh cáo Thổ Nhĩ Kỳ?

Giới phân tích cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà Washington lại đưa ra lập trường phi quân sự cho cuộc xung đột tại Syria. Dường như thông qua những tuyên bố này, Mỹ đang muốn dằn mặt Thổ Nhĩ Kỳ và khẳng định lại một lần nữa sẽ không đồng ý với kế hoạch triển khai quân vào lãnh thổ Syria của Ankara.

Căn cứ vào tình hình thực tế trên chiến trường hiện nay, có thể thấy rằng những nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở.

Thứ nhất, ngay từ khi thông tin về thỏa thuận ngừng bắn tại Syria được đưa ra, Ankara đã để ngỏ khả năng tiến hành kế hoạch B, triển khai các biện pháp quân sự tại Damascus.

Còn nhớ, hôm 25/2 khi phát biểu trên kênh truyền hình CNN bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng nước này Ahmet Davutoglu đã khẳng định sẽ áp dụng “biện pháp cần thiết” để đối phó với Lực lượng các đơn vị tự vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria hoặc IS khi cần.

Mỹ đang dằn mặt Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này đang có ý định đưa quân vào Syria.
Mỹ đang dằn mặt Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này đang có ý định đưa quân vào Syria.

“Thỏa thuận ngừng bắn sẽ không ràng buộc được chúng tôi khi nảy sinh tình hình đe dọa tới an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, và chúng tôi sẽ có những biện pháp cần thiết để chống lại cả YPG lẫn IS nếu cảm thấy cần thiết. Ankara là nơi duy nhất quyết định các hành động liên quan đến an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Davutoglu phát biểu.

Thứ hai, thời gian gần đây, nhiều bằng chứng được đưa ra cho thấy, chính quyền Erdogan đang tìm mọi cách để cụ thể hóa tham vọng của mình bằng những hành động cụ thể.

Hãng tin Sputnik ngày 6/3 dẫn lời Trung tướng Sergei Kuralenko, chỉ huy Trung tâm Nga về hòa giải các bên tham chiến Syria cho biết, các đoàn xe vận tải hạng nặng đang ngày đêm vận chuyển đạn dược và vũ khí từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào các vùng thuộc sự kiểm soát của nhóm khủng bố Dzhebhat en-Nusra và Ahrar al-Sham.

“Nhóm quay phim của kênh truyền hình RT (Nga) đã quay được cảnh các đoàn xe quân sự dài hàng km của Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến vào khu vực có trại huấn luyện chiến binh của Al-Nusra. Đó là những chuyến hàng cung cấp vũ khí đạn dược, là bằng chứng cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ ngang nhiên hỗ trợ cho các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria”, trung tướng Sergei Kuralenko khẳng định.

Ngoài ra, vị tướng người Nga cũng cho hay, lực lượng người Kurd ở Syria vẫn tiếp tục bị bắn phá từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, Thiếu tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga đã cho công bố các bức ảnh chụp gần khu vực do IS kiểm soát trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, nơi chúng tiếp nhận vũ khí và hỗ trợ khác.

“Hoạt động của Ankara trong khu vực đang phá hoại thỏa thuận ngừng bắn, và làm tê liệt các nỗ lực mang lại hòa bình cho Syria. Đây là những hoạt động “gây hấn” của Ankara ở quốc gia Trung Đông này, làm cho tình hình căng thẳng leo thang ở miền bắc Syria ngày càng trở nên trầm trọng”, ông Igor Konashenkov khẳng định.

Trong một động thái có liên quan, nhóm phần tử khủng bố Al-Nursa Front ở Syria cũng đang tìm cách kích động Ankara đưa quân sang Damascus.

“Vào hôm 6/3, một vài phần tử Al-Nursa Front đã bắn pháo về phía lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ từ khu vực Metishli của Syria”, tướng Sergey Kuralenko tiếp tục vạch rõ.

Theo ông Kuralenko, một nhóm phần tử IS đang đóng quân gần Nusaybin, Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới Syria 1,5km, cũng đang chuẩn bị tấn công vào lực lượng người Kurd ở thị trấn Qamischli, Syria. Phía Nga nhận định rằng, tất cả những hành động trên đều được thực hiện với mục đích gây hấn và đổ lỗi cho quân đội chính phủ phá vỡ lệnh ngừng bắn.

Rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm mọi cách để đưa quân vào lãnh thổ Syria nhằm chống phá lệnh ngừng bắn và tìm cách tiêu diệt lực lượng người Kurd tại đây. Tuy nhiên nếu Ankara bất chấp những lời cảnh báo từ Nhà Trắng mà vẫn ngoan cố thực hiện đến cùng, chắc chắn chính quyền Erdogan sẽ phải trả giá. Những lợi ích của Washington vào thời điểm này trên chiến trường Syria, không cho phép Nhà Trắng nhân nhượng với các hành động gây hấn của nước đồng minh.

Theo Tuấn Hùng (Tổng hợp)

Đất Việt