1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ có thực sự "át vía" Trung Quốc?

(Dân trí) - 5 năm sau tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á của Tổng thống Obama, Mỹ đã mở rộng được ảnh hưởng chính trị và quân sự tại khu vực, nhưng mục tiêu kiềm chế Trung Quốc bị cho là vẫn khó khả thi.

Trong bối cảnh Bắc Kinh đang có những bước đi quyết đoán trong tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, khiến các quốc gia trong khu vực bày tỏ lo lắng, một số nhà quan sát cho rằng có vẻ Trung Quốc đã qua mặt các đối thủ trong cuộc đua khẳng định chủ quyền với vùng biển chiến lược rộng lớn này.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter (áo xanh) lên tàu sân bay USS Roosevelt neo đậu tại Biển Đông hồi năm ngoái. (Ảnh: AFP)
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter (áo xanh) lên tàu sân bay USS Roosevelt neo đậu tại Biển Đông hồi năm ngoái. (Ảnh: AFP)

“Với tư cách một người hiện diện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và quan sát sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, chúng tôi chỉ thấy một sự tái cân bằng khá mơ hồ” William Choong, học giả cấp cao tại Đối thoại Shangri-La về An ninh châu Á - Thái Bình Dương khẳng định.

Nhiều thập niên qua, Hải quân Mỹ vẫn bảo vệ các tuyến hàng hải chủ chốt tại Thái Bình Dương, và họ vẫn giữ vị thế của một siêu cường hàng hải. Tuy nhiên Trung Quốc đã có những bước đi áp đặt những tuyên bố chủ quyền của mình để mở rộng sự hiện diện trên Biển Đông, dù không điều động quân đội chính thức ra tiền tuyến.

“Lợi thế của Trung Quốc là thông qua sử dụng lực lượng Bảo vệ Bờ biển, các lực lượng bán quân sự, và thậm chí cả hoạt động xây dựng đảo nhân tạo được che đậy dưới vỏ bọc vì lợi ích của cộng đồng, phục vụ tìm kiếm cứu nạn, các hoạt động khoa học, thăm dò dầu khí và đánh bắt”, chuyên gia an ninh Đông Nam Á, giáo sư Carlyle Thayer, đến từ Học viện quốc phòng Úc nhận định. Ông cho biết Trung Quốc có nhiều tàu tuần tra bờ biển hơn toàn bộ 9 quốc gia ASEAN cộng lại.

Bồi đắp đảo nhân tạo

Trong 2 năm qua, Trung Quốc đã bồi đắp trái phép ít nhất 1170 ha đất trên Biển Đông, xây dựng trên những bãi đá ngầm, rạn san hô hoặc đảo nhỏ. Tuần qua, cộng đồng quốc tế một lần nữa được nhắc nhở về nỗ lực củng cố sự hiện diện của họ tại các điểm đồn trú tiền tiêu, khi Mỹ khẳng định Trung Quốc dường như đã điều tên lửa phòng không HQ-9 lên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.


Việc Trung Quốc đưa tên lửa HQ-9 lên đảo Phú Lâm đã bị quốc tế lên án mạnh mẽ. (Ảnh: Foxnews)

Việc Trung Quốc đưa tên lửa HQ-9 lên đảo Phú Lâm đã bị quốc tế lên án mạnh mẽ. (Ảnh: Foxnews)

Bộ ngoại giao Việt Nam đã có phản ứng chính thức, trong khi giới chức hải quân Mỹ bày tỏ quan ngại. Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, đô đốc Scott Swift khẳng định Trung Quốc trước đầy từng 2 lần đưa HQ-9 tới đảo Phú Lâm trong các cuộc tập trận phòng thủ chống tên lửa, bao gồm các bài tập bắn hạ máy bay không người lái.

Việc những bài tập như vậy không diễn ra trong tuần qua, theo ông Swift, là lời cảnh báo tới Mỹ về ý định của Bắc Kinh. Dù vậy khác biệt trong vấn đề Biển Đông giữa Trung Quốc và Mỹ nên được giải quyết qua đường ngoại giao, vị đô đốc nói, và cho rằng hải quân hai nước cần tránh có những tính toán sai về chiến thuật, để không rơi vào thế đối đầu chiến lược.

Với vũ khí và hạ tầng quân sự tại các đảo nhân tạo phi pháp Bắc Kinh bồi đắp trên Biển Đông, cách xa đại lục hơn 800km, Trung Quốc đang vừa nâng cao năng lực tấn công nhanh, vừa củng cố thế thượng phong về hải quân so với các nước khác trong khu vực.

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Peter Cook hôm thứ Sáu cho biết, Trung Quốc từng diễn tập huấn luyện tại đảo Phú Lâm, trong quần đảo Hoàng Sa với loại vũ khí trên. Dù vậy “chúng tôi vẫn có lo ngại lớn về lần điều động vũ khí cụ thể này, tại thời điểm này”. Ông Cook cho rằng động thái trên của Bắc Kinh chỉ nhằm mục đích gia tăng thêm căng thẳng.

ASEAN cần phản ứng đồng thuận

Quân đội Mỹ đang xây dựng quan hệ thân thiết hơn bao giờ hết với các quốc gia thành viên ASEAN, nhất là Việt Nam và Philippines. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ASEAN đã sát cánh cùng nhau để giải quyết vấn đề Biển Đông. Với trọng tâm tạo dựng sự đồng thuận và không can thiệp vào công việc của các thành viên, ASEAN vẫn miễn cưỡng trong việc sát cánh về phía Mỹ để ủng hộ bất kỳ hành động cụ thể và hữu hiệu nào chống lại Trung Quốc.

“Các nước ASEAN chưa thực sự đề xuất với Mỹ những gì họ muốn Mỹ thực hiện”, học giả Choong nói.

Dù vậy, ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực đã tăng lên sau cam kết của ông Obama về việc tham gia đầy đủ hơn vào khu vực Đông Nam Á, và đích thân tham dự các diễn đàn thường niên như hội nghị thượng đỉnh An ninh Đông Á, chuyên gia Thayer nhận xét.

“Ông Obama đang để lại một di sản mà một tổng thống Mỹ mới sẽ không thể phớt lờ”, vị giáo sư Học viện quốc phòng Úc khẳng định.

Những năm gần đây Mỹ đã điều động thêm binh sỹ và khí tài quân sự tới khu vực, đồng thời củng cố các liên minh an ninh với các quốc gia thành viên ASEAN. Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương cho biết Hải quân Mỹ đã đưa “những thiết bị quân sự mới nhất và mạnh mẽ nhất” tới khu vực này. Có thể kể tới các máy bay do thám P-8, các tàu chiến ven bờ, tàu ngầm lớp Virginia, các tàu đổ bổ loại mới, như USS America.

Năm ngoái, hơn 1.000 lính thủy đánh bộ Mỹ được triển khai tới Darwin, Úc để diễn tập với lực lượng nước chủ nhà. Đến năm 2017, số lượng quân được luân chuyển tới Úc sẽ được tăng lên 2500 quân.

Tòa án Tối cao Philiippines mới đây cũng phê chuẩn hiệp ước an ninh song phương, cho phép binh sỹ và vũ khí Mỹ được đồn trú và luân chuyển tại 5 sân bay quân sự và 2 căn cứ hải quân.

Washington cũng đang hỗ trợ hàng hải cho nhiều quốc gia ASEAN khác, trong đó có Việt Nam. Mới đây một số tàu tuần tra của lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ đã được trùng tu và chuyển giao cho Việt Nam.

Thanh Tùng

Theo VOA