1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ có thể viện trợ đạn uranium nghèo cho Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Truyền thông Mỹ đưa tin rằng Washington dường như sắp chuyển đạn uranium nghèo cho Ukraine, vũ khí có thể gây đe dọa cho lực lượng tăng thiết giáp Nga.

Mỹ có thể viện trợ đạn uranium nghèo cho Ukraine - 1

Một xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams của Mỹ (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin cho biết, Mỹ được cho có kế hoạch gửi đạn uranium nghèo tới Ukraine và các quả đạn này sẽ được bắn ra từ xe tăng Abrams cho Washington viện trợ. Mỹ đã cam kết gửi 31 xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams cho Ukraine trước đó, và lô vũ khí này dự kiến sẽ đến chiến trường vào mùa thu.

Theo nguồn tin, trong vài tháng qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thảo luận về việc có chuyển đạn uranium nghèo cho Ukraine hay không do quan ngại về tác động của vũ khí này tới môi trường và sức khỏe.

Tuy nhiên, một quan chức Mỹ nói với Wall Street Journal rằng, hiện thời dường như không còn bất cứ rào cản nào để Washington cấp loại đạn này cho Ukraine.

Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium để sử dụng làm nhiên liệu hoặc vũ khí hạt nhân. Mức độ phóng xạ của uranium nghèo bằng khoảng 60% phóng xạ của uranium tự nhiên.

Loại đạn này đặc biệt hiệu quả trong các cuộc tấn công xuyên giáp với các xe tăng và xe bọc thép. Ngoài ra, chúng có khả năng làm tăng nhiệt độ mục tiêu, có thể dẫn tới cháy khoang nhiên liệu hoặc khoang đạn dược trên xe tăng đối phương, dẫn tới cháy nổ.

Newsweek dẫn lời các chuyên gia nhận định, khi Ukraine triển khai đạn uranium nghèo, xe tăng của Nga "sẽ dễ bị tổn thương từ mọi vị trí, "ngay cả ở nơi có lớp giáp dày nhất". 

Theo các chuyên gia, loại vũ khí này có thể mang lại lợi thế cho Ukraine trong các trận chiến xe tăng với Nga khi nước này khởi động chiến dịch phản công quy mô lớn trên hơn 1.000km tiền tuyến.

Trước đó, hồi tháng 3, Anh nói sẽ chuyển đạn uranium nghèo cho Ukraine sử dụng trên xe tăng Challenger-2 bất chấp cảnh báo từ trước đó của Nga rằng Moscow sẽ có biện pháp đáp trả.

Tới tháng 4, Anh xác nhận bắt đầu gửi loại đạn này cho Ukraine. Khi được hỏi liệu Anh có sẵn sàng giúp Ukraine loại bỏ tàn dư khi bắn ra đạn uranium nghèo hay không, phía London cho biết, họ không đưa ra những cam kết như vậy. Anh cho rằng, Ukraine đang cần gấp loại đạn này và London muốn giúp Kiev kết thúc cuộc chiến với Nga.

Uranium nghèo loại đạn dược gây tranh cãi khi Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc mô tả đây là kim loại nặng độc hại về mặt hóa học và phóng xạ.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh nhấn mạnh, quân đội nước này đã sử dụng uranium nghèo trong các loại đạn xuyên giáp trong nhiều thập niên và những viên đạn này không liên quan gì đến vũ khí hạt nhân.

London cho rằng những rủi ro về sức khỏe và môi trường do uranium nghèo gây ra là thấp, viện dẫn một nghiên cứu của chính phủ Anh vào năm 2007.

Mặt khác, theo chuyên gia Doug Weir của tổ chức Đài quan sát môi trường và xung đột, khi đạn uranium nghèo tấn công mục tiêu, chúng phân mảnh và đốt cháy, tạo ra hạt uranium độc hại về mặt hóa học nếu con người hít phải.

Quân đội Nga cảnh báo rằng, việc sử dụng đạn uranium nghèo có khả năng gây ra tác hại đối với sức khỏe của người Ukraine và gây ra thiệt hại kinh tế cho hoạt động nông-công nghiệp trong khu vực.

Theo Business Insder, Newsweek