1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga nói đám mây phóng xạ từ Ukraine có thể đã bay sang Tây Âu

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga cho rằng, một đám mây phóng xạ có thể đã bị thổi sang Tây Âu sau khi kho vũ khí của Ukraine bị phá hủy trong một vụ tấn công.

Nga nói đám mây phóng xạ từ Ukraine có thể đã bay sang Tây Âu - 1

Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev (Ảnh: Sputnik)

Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev ngày 19/5 cho biết, sau khi những quả đạn uranium nghèo của Ukraine bị phá hủy, nó dường như đã gây ra hiện tượng đám mây phóng xạ bay sang Tây Âu.

Ông Patrushev cáo buộc Mỹ đã tác động tới đồng minh Anh cấp cho Ukraine loại vũ khí này nhưng nó đang gây hại cho phía Kiev.

"Họ (Mỹ) giúp Ukraine bằng cách gây áp lực lên các đồng minh  để cung cấp đạn uranium nghèo. Những quả đạn này sau khi bị phá hủy đã hình thành một đám mây phóng xạ di chuyển về phía Tây Âu. Họ đã phát hiện ra sự gia tăng phóng xạ ở Ba Lan", ông Patrushev nói.

Ukraine chưa bình luận về thông tin này. Trong khi đó, phía Ba Lan đã bác thông tin rằng có sự gia tăng phóng xạ ở thành phố Lublin của nước này vào đầu tuần.

Cuối tuần trước, Nga đã tấn công một kho đạn của Ukraine ở thành phố Khmelnitsky. Theo thông tin đang lan truyền ở Ukraine nhưng chưa được xác nhận, kho này có thể đã chứa đạn uranium nghèo do Anh viện trợ Kiev và những vũ khí này đã bị phá hủy thành bụi do sức công phá của vụ nổ.

Cuối tháng trước, Anh xác nhận London đã bắt đầu gửi lô đạn dược tới Ukraine, bao gồm cả đạn uranium nghèo.

Khi được hỏi liệu Anh có sẵn sàng giúp Ukraine loại bỏ tàn dư khi bắn ra đạn uranium nghèo hay không, ông Heappey nói, London không đưa ra những cam kết như vậy. Ông nhấn mạnh, Ukraine đang cần gấp loại đạn này và Anh muốn giúp Kiev kết thúc cuộc chiến với Nga.

Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium để sử dụng làm nhiên liệu hoặc vũ khí hạt nhân. Mức độ phóng xạ của uranium nghèo bằng khoảng 60% phóng xạ của uranium tự nhiên.

Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh nhấn mạnh rằng, quân đội nước này đã sử dụng uranium nghèo trong các loại đạn xuyên giáp trong nhiều thập niên và những viên đạn này không liên quan gì đến vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc mô tả đây là kim loại nặng độc hại về mặt hóa học và phóng xạ.

Theo RT