1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ có thể trải qua “mùa đông tăm tối nhất trong lịch sử” vì Covid-19

(Dân trí) - Cựu quan chức y tế mới bị bãi nhiệm cảnh báo Mỹ có thể sẽ đối mặt với “mùa đông tăm tối nhất” trong lịch sử nếu nước này không ứng phó kịp thời với Covid-19.

Mỹ có thể trải qua “mùa đông tăm tối nhất trong lịch sử” vì Covid-19 - 1

Cựu Giám đốc Cơ quan nghiên cứu và phát triển y sinh tiên tiến Mỹ Rick Bright. (Ảnh: Bloomberg)

“Cánh cửa cơ hội đang đóng lại. Nếu chúng ta không phát triển phương án ứng phó phối hợp toàn quốc, dựa trên cơ sở khoa học, tôi sợ rằng đại dịch sẽ còn tồi tệ hơn nhiều và sẽ kéo dài, gây ra bệnh tật và thương vong chưa từng có tiền lệ”, CNN dẫn một phần trong bài phát biểu của cựu Giám đốc Cơ quan nghiên cứu và phát triển y sinh tiên tiến Mỹ (BARDA) Rick Bright dự kiến trình bày tại Quốc hội.

Vào sáng 14/5 (theo giờ Mỹ), ông Bright sẽ có bài phát biểu trước Tiểu ban y tế thuộc Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ, sau khi đệ đơn kiện vào tuần trước. Cựu quan chức cho rằng việc ông bị bãi nhiệm khỏi vị trí Giám đốc BARDA hồi tháng 4 là hành vi trả đũa, vì ông đã phản đối việc sử dụng thuốc chống sốt rét làm thuốc trị Covid-19 trong khi Tổng thống Donald Trump ca ngợi đây là phương pháp hiệu quả.

Ông Trump từ giữa tháng 3 đã ủng hộ sử dụng chloroquine trong việc điều trị Covid-19, dù có ít bằng chứng cho thấy hiệu quả của loại thuốc này. Mặc dù các cố vấn khoa học đề nghị nghiên cứu thêm, ông Trump vẫn liên tục hối thúc đưa loại thuốc này vào điều trị.

Cuối tháng 3, một người đàn ông tại bang Arizona đã thiệt mạng sau khi uống chloroquine phosphate, thuốc điều trị sốt rét, vì tin rằng thuốc này sẽ bảo vệ ông khỏi bị mắc Covid-19. Vợ ông này sau đó nói với NBC rằng bà đã xem cuộc họp báo trên truyền hình và thấy Tổng thống Trump nói về lợi ích tiềm tàng của chloroquine.

 “Nếu không lên kế hoạch rõ ràng và thực thi các bước mà tôi và các chuyên gia khác đã vạch ra, 2020 sẽ là mùa đông tăm tối nhất trong lịch sử hiện đại”, ông Bright cảnh báo trong bài phát biểu trước ủy ban Quốc hội.

Trong bài phát biểu, ông Bright sẽ khẳng định lại rằng, ông tin tưởng việc ông bị cách chức là do đã “phản đối những nỗ lực nhằm thúc đẩy và cho phép người dân Mỹ tiếp cận rộng rãi với chloroquine, một phương thuốc chưa được chứng minh hiệu quả, khi chưa có thông tin minh bạch về những nguy cơ tiềm tàng liên quan tới sức khỏe”.

Ông Bright đang tìm cách khôi phục lại chức vụ mà ông đã bị bãi nhiệm. Văn phòng Công tố Đặc biệt, cơ quan xem xét đơn kiện của ông Bright, xác định có lý do để tin rằng việc ông bị bãi nhiệm là hành động trả đũa và đề xuất phục chức cho ông.

Cảnh báo bị xem nhẹ?

Trong đơn khiếu nại, Rick Bright cho biết ông đã đưa ra cảnh báo về Covid-19 từ hồi tháng 1, nhưng vấp phải sự phản đối từ Bộ trưởng Y tế Alex Azar và các quan chức cấp cao khác.

“Ông Bright đã hành động khẩn cấp để bắt đầu xử lý đại dịch, nhưng vấp phải sự phản kháng từ lãnh đạo Bộ Y tế, bao gồm Bộ trưởng Azar, người dường như cố tình xem nhẹ mối đe dọa từ thảm kịch này”, đơn kiện nêu rõ.

Ông Bright dự kiến sẽ trình bày trước ủy ban Quốc hội về việc ông đã tìm cách cảnh báo cấp trên về nguy cơ thiếu vật tư y tế thiết yếu từ đầu năm nay, nhưng cảnh báo khẩn cấp đó đã bị các quan chức Bộ Y tế “phản đối và gạt ra ngoài lề”.

“Như tôi đã phản ánh trong những tháng vừa qua về dịch bệnh, một điều rõ ràng là chúng ta đã không chuẩn bị sẵn sàng như chúng ta nên làm. Chúng ta đã bỏ lỡ những tín hiệu cảnh báo sớm và bỏ qua các giai đoạn quan trọng của đại dịch”, ông Bright cho biết.

Trong bài phát biểu tại ủy ban Quốc hội, ông Bright cũng kêu gọi triển khai một số bước đi quan trọng để cải thiện việc chính quyền liên bang ứng phó với dịch Covid-19, bao gồm tăng cường nâng cao nhận thức của công chúng về các biện pháp phòng ngừa, đẩy mạnh sản xuất vật tư y tế thiết yếu và phát triển chiến lược xét nghiệm toàn quốc.

“Virus vẫn đang ở ngoài kia, xuất hiện khắp mọi nơi. Chúng ta cần phát hiện, cách ly và ngăn nó lây nhiễm thêm nhiều người. Chúng ta cần những bộ xét nghiệm chính xác, nhanh chóng, dễ sử dụng, chi phí thấp và tất cả những ai cần xét nghiệm đều có thể tiếp cận được”, ông Bright đề xuất.

Mỹ hiện vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 85.000 người chết và hơn 1,4 triệu người mắc Covid-19 tính đến thời điểm hiện tại.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm