1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tranh cãi việc ông Trump đề xuất tiêm chất khử trùng để chống Covid-19

(Dân trí) - Các chuyên gia đã lên tiếng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất “tiêm” chất khử trùng vào cơ thể người bị mắc Covid-19.

Tranh cãi việc ông Trump đề xuất tiêm chất khử trùng để chống Covid-19 - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP)

“Tôi thấy chất khử trùng hạ gục virus trong một phút, chỉ một phút. Vậy liệu có cách nào để chúng ta có thể làm điều tương tự bằng cách tiêm chúng vào trong cơ thể người, gần như một kiểu tẩy sạch không? Như các bạn thấy, virus đi vào phổi, xâm nhập với số lượng lớn trong phổi, nên đó là một phương pháp thú vị để thử”, Tổng thống Trump phát biểu trong cuộc họp báo hôm 23/4, song không đề cập cụ thể loại chất khử trùng nào.

Ý tưởng của Tổng thống Trump được đưa ra sau khi Bill Bryan, người dẫn đầu bộ phận khoa học và công nghệ tại Bộ An ninh Nội địa Mỹ, có bài diễn thuyết về công trình nghiên cứu do nhóm ông thực hiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy virus corona chủng mới không thể tồn tại lâu trong môi trường có nhiệt độ hoặc độ ẩm cao.

Phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng, ông Bryan cho biết các nhà khoa học của chính phủ Mỹ đã phát hiện ra rằng, tia cực tím có tác động mạnh với virus corona chủng mới. Phát hiện này làm dấy lên hy vọng rằng sự lây nhiễm của virus có thể giảm xuống vào mùa hè tới.

“Quan sát đáng chú ý nhất của chúng tôi cho tới nay là ánh sáng mặt trời dường như có tác động mạnh trong việc tiêu diệt virus, cả trên các bề mặt và trong không khí”, ông Bryan cho biết.

“Chúng tôi cũng quan sát thấy tác động tương tự của nhiệt độ và độ ẩm. Nhiệt độ hoặc độ ẩm cao, hoặc cả hai, thường không thuận lợi cho virus”, cố vấn về khoa học và công nghệ của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết thêm.

Phát biểu của ông Bryan khiến Tổng thống Trump phân vân liệu có thể đưa ánh sáng “vào trong cơ thể” để diệt Covid-19 hay không.

“Như tôi nói, giả sử đưa ánh sáng vào trong cơ thể người, ông có thể làm cách đó qua da hay qua cách nào khác, ông cũng nói ông sẽ thử nghiệm việc đó”, Tổng thống Trump nói với ông Bryan trong cuộc họp báo.

Ông Trump nói rằng các phát hiện trên của nhóm chuyên gia nên được xem xét cẩn thận. Ông cũng nhắc lại tuyên bố hồi tháng 2 rằng, virus corona chủng mới có thể sẽ “biến mất vào tháng 4” và “nắng nóng sẽ tiêu diệt loại virus này”.

“Tôi từng đề cập tới việc virus có thể biến mất cùng nhiệt độ cao và ánh sáng. Nhưng mọi người không thích phát ngôn đó lắm”, ông Trump nói.

Các chuyên gia y tế, bao gồm Tiến sĩ Vin Gupta - bác sĩ phổi và là chuyên gia chính sách y tế, đã nhanh chóng phản bác “thông điệp y tế không phù hợp” của Tổng thống Trump. Ông Gupta cho rằng ý tưởng này là "nguy hiểm".

Tổng thống Trump từng nhiều lần ca ngợi các phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng trong các cuộc họp báo về Covid-19.

Ngày 21/3, ông Trump viết trên Twitter về sự kết hợp giữa 2 loại thuốc hydroxyl chloroquine và azithromycin, nhấn mạnh rằng đây là “một cơ hội thực sự để trở thành người thay đổi cuộc chơi lớn nhất trong lịch sử ngành dược phẩm”. Tuy nhiên, giới chức y tế Mỹ đã cảnh báo về phương pháp này.

Cuối tháng 3, một người đàn ông tại bang Arizona đã thiệt mạng sau khi uống chloroquine phosphate (một loạt thuốc điều trị sốt rét) vì tin rằng thuốc này sẽ bảo vệ ông khỏi bị mắc Covid-19. Vợ ông này sau đó nói với NBC rằng bà đã xem cuộc họp báo trên truyền hình và thấy Tổng thống Trump nói về lợi ích tiềm tàng của chloroquine.

Trong một tuyên bố vào sáng 22/4, Giám đốc Cơ quan nghiên cứu và phát triển y sinh tiên tiến Mỹ (BARDA) Rick Bright cho biết vị trí của ông đã bị thay thế, vì ông phản đối các nỗ lực thúc đẩy sử dụng thuốc trị sốt rét có chất chloroquine/hydroxyl chloroquine làm thuốc chữa Covid-19. Ông Bright cáo buộc chính phủ Mỹ dường như quảng bá các loại thuốc này như thuốc “chữa bách bệnh”, mặc dù “thiếu các cơ sở khoa học” để chứng minh.

Thành Đạt

Theo NBC, AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm