1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ có thể phải "hy sinh" năng lực chiến đấu để viện trợ Ukraine

Quốc Đạt

(Dân trí) - Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo rằng số tiền cơ quan này có thể dùng để hỗ trợ Ukraine đang ngày một giảm và họ có thể buộc phải ra "quyết định khó khăn" liên quan năng lực sẵn sàng chiến đấu của Mỹ.

Mỹ có thể phải hy sinh năng lực chiến đấu để viện trợ Ukraine - 1

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, tướng Patrick Ryder (Ảnh: AP).

"Tôi nghĩ bây giờ chúng ta còn khoảng… 4,4 tỷ USD, với phần lớn nhất là Quyền Đẩy nhanh Viện trợ An ninh của Tổng thống (PDA), và khoảng 1 tỷ USD còn lại trong quỹ bổ sung", Fox News dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Pat Ryder.

PDA là cơ chế giúp Tổng thống Mỹ viện trợ khẩn cấp cho đồng minh bằng trang bị quân sự trong kho của nước này. Hạn mức của PDA trong năm tài khóa 2022 đã được tăng từ 100 triệu USD lên 11 tỷ USD vào tháng 5/2022, khi đảng Dân chủ kiểm soát cả 2 viện của Quốc hội.

Sau nhiều lần được kích hoạt, quỹ PDA cùng quỹ bổ sung - dùng để mua trang bị mới bù cho hàng viện trợ trong kho - đều đang cạn dần.

"Tất nhiên là chúng ta có thể tiêu 4,4 tỷ USD đó, nhưng đây là những lựa chọn khó khăn. Vì đến cuối cùng thì chúng ta sẽ bắt đầu phải quyết định giữa năng lực sẵn sàng chiến đấu của chính mình và việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine theo cách mà họ cần được hỗ trợ trên chiến trường", ông Ryder nói thêm.

Từ đó, ông kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua quỹ bổ sung khẩn cấp cho quân đội càng sớm càng tốt.

Mỹ có thể phải hy sinh năng lực chiến đấu để viện trợ Ukraine - 2

Lính Mỹ đứng cạnh xe bọc thép Stryker tại khu huấn luyện Grafenwoehr ở Đức (Ảnh: Getty).

Tính đến ngày 14/12, các nhà lập pháp Mỹ vẫn chưa đạt được thỏa thuận về gói viện trợ bổ sung trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine, trong bối cảnh cuộc phản công của Kiev không đạt được bước tiến như kỳ vọng. Trong tuần này, các cuộc đàm phán tiếp diễn nhưng chưa có đột phá.

Đảng Cộng hòa - đang kiểm soát Hạ viện - từ chối phê duyệt gói viện trợ bổ sung cho Ukraine trừ khi đảng Dân chủ đồng ý thông qua biện pháp siết chặt an ninh biên giới, như ra quy định đẩy nhanh tốc độ trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp.

Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Mỹ đã cung cấp hơn 44 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi chiến sự bùng nổ, nhiều hơn 4 nước đóng góp lớn nhất tiếp theo là Đức, Anh, Na Uy và Đan Mạch cộng lại.

Gần 40% viện trợ của Mỹ cho Ukraine là vì mục đích phi quân sự, bao gồm khoản chi cho các nhu cầu nhân đạo như nhà ở cho người tị nạn và hỗ trợ kinh tế trực tiếp để duy trì hoạt động của chính phủ Ukraine.

Với nền kinh tế bị tê liệt do chiến sự, Ukraine phải dựa vào nguồn tiền ủng hộ để duy trì các dịch vụ cơ bản như trường học, bệnh viện và sở cứu hỏa.

Theo Fox News, New York Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm