1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Mỹ cần chấp nhận việc Ukraine nhượng một số lãnh thổ cho Nga"

Thành Đạt

(Dân trí) - Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa JD Vance cho rằng Mỹ cần phải chấp nhận rằng Ukraine có thể sẽ cần phải "nhượng bộ một số lãnh thổ" cho Nga để chấm dứt xung đột.

Mỹ cần chấp nhận việc Ukraine nhượng một số lãnh thổ cho Nga - 1

Thượng nghị sĩ J.D. Vance (Ảnh: Getty).

Trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 10/12, ông JD Vance, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Ohio, cho biết ông phản đối việc gửi thêm viện trợ cho Ukraine, vì ông không tin rằng Kiev sẽ có thể áp đảo được Nga.

Ông Vance cũng đặt câu hỏi tại sao việc cung cấp hàng tỷ USD viện trợ cho Ukraine lại giúp ích cho Kiev vào thời điểm này trong cuộc xung đột với Nga, trong khi các khoản viện trợ trước đó vẫn chưa thể chấm dứt xung đột.

"Điều mang đến lợi ích lớn nhất cho Mỹ là chấp nhận Ukraine sẽ phải nhượng bộ một số lãnh thổ cho Nga và chúng ta cần phải kết thúc cuộc chiến này", ông Vance.

Ông Vance cho rằng không ai tin Ukraine có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga, đồng thời giải thích rằng trọng tâm chính nên là chấm dứt xung đột và thương vong trong khu vực.

"Ý tưởng cho rằng Ukraine sẽ đẩy lùi Nga trở lại biên giới năm 1991 là phi lý, không ai thực sự tin điều đó", nghị sĩ Mỹ nhận định.

Ngày càng nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối viện trợ bổ sung cho Kiev, với lý do lo ngại rằng Washington chỉ đang kéo dài cuộc chiến ở Ukraine mà không có chiến lược rõ ràng để chấm dứt xung đột.

Viện trợ nước ngoài được coi là một trong những lý do chính giúp Ukraine đạt được những bước tiến trong cuộc xung đột với Nga, nhưng các báo cáo mới cho thấy viện trợ dành cho Ukraine đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây.

Trang tin Pravda dẫn số liệu từ Viện nghiên cứu kinh tế thế giới Kiel ngày 7/12 cho biết, trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 10, mức cam kết viện trợ mới của các nước phương Tây dành cho Ukraine đã xuống mức thấp kỷ lục, giảm gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính quyền Tổng thống Zelensky không ngừng kêu gọi phương Tây viện trợ bổ sung để giúp quân đội Ukraine tạo đột phá trên chiến trường, từ đó giành ưu thế trên bàn đàm phán.

Tuần trước, đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu để chặn dự luật chi tiêu trị giá 110,5 tỷ USD, bao gồm viện trợ cho cả Ukraine và Israel.

Trước cuộc bỏ phiếu của Thượng viện, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố gói viện trợ cung cấp vũ khí và thiết bị cho Ukraine lên tới 175 triệu USD.

Tuy vậy, phát biểu tại Viện Nghiên cứu Hòa bình nhân chuyến thăm Mỹ hôm 5/12, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak, vẫn cảnh báo nếu quốc hội Mỹ không phê chuẩn viện trợ quân sự thêm, Ukraine sẽ khó giành lại thêm lãnh thổ từ Nga và có nguy cơ thua trận.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng cho rằng, Washington phải chịu trách nhiệm cho sự thất bại của Ukraine nếu quốc hội nước này không thông qua đề xuất gói viện trợ của Tổng thống Joe Biden.

Văn phòng Tổng thống Ukraine thông báo, Tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo sẽ thăm Mỹ vào ngày 12/12. 

"Một trong số các chủ đề chính tại cuộc hội đàm ở Washington sẽ là việc tiếp tục hợp tác quốc phòng giữa Ukraine và Mỹ, đặc biệt là các dự án chung sản xuất vũ khí và hệ thống phòng không, cũng như sự phối hợp các nỗ lực của hai nước trong năm tới", thông báo của Nhà Trắng cho biết.

Theo Hill