Mỹ có thể "hành động chưa từng có" ở eo biển Hormuz để đối phó Iran
(Dân trí) - Lầu Năm Góc đã dự tính kế hoạch triển khai lực lượng vũ trang trên các tàu thương mại ở eo biển Hormuz trước nguy cơ bị Iran tấn công, bắt giữ. AP gọi kế hoạch này là một "hành động chưa từng có".
Mỹ có thể sẽ "hành động chưa từng có"
Theo RT, các quan chức quân sự Mỹ được cho là đã soạn thảo một đề xuất bố trí các binh sĩ có vũ trang trên các tàu thương mại ở eo biển Hormuz để ngăn các tàu này bị lực lượng Iran bắt giữ hoặc quấy rối tại điểm kiểm soát dầu mỏ quan trọng nhất thế giới.
AP đưa tin hôm 3/8, trích dẫn năm quan chức Mỹ giấu tên cho biết, dù chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra, kế hoạch đang được thảo luận bởi các đại diện của Lầu Năm Góc và các đồng minh Ả Rập của Washington ở khu vực Vịnh Ba Tư.
Nếu đề xuất được chấp thuận, quân đội Mỹ sẽ chỉ cung cấp đảm bảo an ninh theo yêu cầu của các công ty vận chuyển liên quan.
Quy trình phức tạp triển khai lực lượng Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ trên các tàu chở dầu và các tàu khác của khu vực tư nhân có thể sẽ cần có sự chấp thuận của cả quốc gia nơi tàu treo cờ và quốc gia nơi chủ sở hữu tàu đăng ký.
AP lưu ý rằng, việc đưa binh sĩ Mỹ lên các tàu thương mại có thể ngăn chặn Tehran bắt giữ các tàu - hoặc leo thang căng thẳng hơn nữa. Hãng tin này gọi kế hoạch của Mỹ đáp trả bằng vũ lực đối với các vụ bắt giữ của Iran là một "hành động chưa từng có".
Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Tehran gia tăng kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran - có tên chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) - vào năm 2018.
Những sự kiện đáng báo động
Mỹ đã cáo buộc Iran có "các hành động gây bất ổn" trong những tháng gần đây, bao gồm cả việc bắt giữ một số tàu thương mại. Lầu Năm Góc tháng trước đã thông báo triển khai thêm máy bay chiến đấu và vũ khí trang bị hải quân tới vùng Vịnh Ba Tư để đối phó với "những sự kiện đáng báo động".
Các quan chức Tehran đã cáo buộc Mỹ leo thang căng thẳng với việc triển khai quân sự tới khu vực. Một đô đốc Iran hồi tháng trước tuyên bố rằng nhiều máy bay phản lực của Mỹ đã cố gắng không thành công để ngăn lực lượng của ông lên một tàu chở dầu bị nghi buôn lậu.
Một số vụ bắt giữ tàu của Iran trong những năm gần đây là để đáp trả việc Mỹ và Anh chặn các tàu chuyên dụng vận chuyển dầu của Iran cho khách hàng ở nước ngoài.
Khoảng 20% nguồn cung cấp dầu của thế giới, hay 1/3 tổng lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển, đi qua Eo biển Hormuz, nối Vịnh Ba Tư với Vịnh Oman và Biển Ả Rập.
Ngày 3/8, Phó Đô đốc Hải quân Mỹ Brad Cooper đã gặp các quan chức của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm sáu quốc gia Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar, Bahrain, Kuwait và Oman.
Khối này không đề cập đến khả năng triển khai quân của Mỹ trong tuyên bố về cuộc gặp với Cooper, họ chỉ nói rằng các bên đã thảo luận về việc "tăng cường hợp tác GCC - Mỹ và làm việc với các đối tác quốc tế và khu vực".
Trước đó, Hải quân Mỹ ngày 5/7 đã ngăn các tàu hải quân của Iran bắt giữ hai tàu chở dầu ở vịnh Oman.
Theo giới chức quốc phòng Mỹ, hai chiếc tầu chở dầu thương mại đang trên đường tới khu vực biển Ả rập thì bị các tàu hải quân của Iran tiếp cận và tìm cách bắt giữ. Một tàu khu trục của hải quân Mỹ cùng các máy bay tuần tra biển đã giúp hai chiếc tàu này không bị bắt giữ.
Theo thông tin từ hải quân Mỹ, Tehran đã quấy rối và bắt giữ gần 20 tàu thương mại treo cờ quốc tế kể từ năm 2021 và Mỹ coi các hành động này là mối đe dọa đối với an ninh hàng hải khu vực và kinh tế toàn cầu.
Iran hồi đầu năm cũng bắt giữ hai tàu chở dầu trong vòng chưa tới một tuần ở khu vực vịnh Oman. Động thái này đã khiến Mỹ tăng cường luân chuyển tàu và máy bay tuần tra khu vực eo biển Hormuz, một tuyến đường biển quan trọng ở Trung Đông cho việc vận chuyển dầu và khí đốt tự nhiên của thế giới.