Mỹ chuẩn bị giáng đòn trừng phạt Nga sau thượng đỉnh Biden - Putin
(Dân trí) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị áp các lệnh trừng phạt bổ sung Nga liên quan đến nghi vấn đầu độc thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny.
"Chúng tôi đang chuẩn bị một gói trừng phạt khác với trường hợp này. Chúng tôi sẽ tiếp tục đáp trả các hành động nguy hại của Nga cho dù đó là tấn công mạng, can thiệp bầu cử hay vụ việc liên quan đến Navalny", Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết ngày 20/6.
Ông Sullivan cho biết, Mỹ sẽ đưa ra các lệnh trừng phạt khi đảm bảo "xác định đúng mục tiêu". Tuy nhiên, ông không tiết lộ thời gian cụ thể mà Mỹ có thể tung ra các biện pháp trừng phạt bổ sung với Nga.
Ngoài ra, ông Sullivan cho biết, Mỹ sẽ duy trì các lệnh trừng phạt nhằm vào các thực thể của Nga có liên quan đến việc xây dựng dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) - dự án đưa khí đốt từ Nga sang Đức gần hoàn tất.
Theo ông Sullivan, Tổng thống Biden sẽ đánh giá các lệnh trừng phạt này sau mỗi 90 ngày. Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án đường ống khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức, đi qua lãnh hải của Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển, đã hoàn thành hơn 94%. Với giá trị khoảng 9,5 tỷ euro, đường ống này có công suất vận chuyển là 55 tỷ m³/năm.
Bình luận của ông Sullivan được đưa ra chỉ vài ngày sau cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm 16/6 tại Geneva, Thụy Sĩ.
Cuộc họp được đánh giá là thành công, mang tính xây dựng và không hề mang bầu không khí thù địch dù không mang lại đột phá. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo sau thượng đỉnh Nga - Mỹ, Tổng thống Biden cho biết, trong cuộc gặp này, ông đã cảnh báo ông Putin rằng Nga sẽ lĩnh "hậu quả tàn khốc" nếu chính trị gia đối lập Navalny chết trong tù. "Tôi đã nói rõ với ông ấy rằng, Nga sẽ gánh hậu quả tàn khốc nếu điều đó xảy ra", ông Biden nói.
Hồi tháng 3, cùng với Liên minh châu Âu (EU), chính quyền của ông Biden đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt Nga với cáo buộc Moscow đứng sau các vụ tấn công mạng nhằm vào Mỹ, can thiệp bầu cử Mỹ năm 2020 cũng như nghi vấn đầu độc ông Navalny. Mặc dù Moscow đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc, nhưng nghi vấn đầu độc chính trị gia đối lập Navalny khiến mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và các nước phương Tây khác leo thang căng thẳng. Nga hiện bắt giữ ông Navalny vì một bản án mà ông bị tuyên phạt vào năm 2014.
Trong cuộc phỏng vấn hôm qua, ông Sullivan cũng nhận được câu hỏi liệu Mỹ có các động thái nào với Trung Quốc khi điều tra nguồn gốc Covid-19 hay không. Ông Sullivan cho biết: "Điều chúng tôi đang làm là tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Nếu Trung Quốc từ chối tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế, khi đó chúng tôi sẽ cân nhắc phản ứng và trên cơ sở phối hợp với các đối tác, đồng minh".