1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Màn thể hiện của Putin - Biden trong cuộc gặp "cân não"

Thành Đạt

(Dân trí) - Giới truyền thông và chuyên gia đã có những đánh giá về màn thể hiện của Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp thượng đỉnh thu hút sự chú ý của cả thế giới.

Ông Putin - Biden lần đầu hội đàm trực tiếp

Màn thể hiện của Putin - Biden trong cuộc gặp cân não  - 1

Tổng thống Putin và Tổng thống Biden hội đàm song phương tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 16/6 (Ảnh: Reuters).

Tại các cuộc họp báo riêng sau hội nghị thượng đỉnh ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 16/6, cả Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin đều khẳng định cuộc gặp đã diễn ra mang tính xây dựng, thẳng thắn, không có sự thù địch.

Theo giới quan sát, mặc dù không đặt nhiều kỳ vọng trước cuộc gặp với Tổng thống Mỹ, song ông Putin được cho là đã gặt hái được chiến thắng ngoại giao lớn sau sự kiện này.

Ngoài một số cam kết cơ bản về việc đưa các đại sứ Nga và Mỹ trở lại các đại sứ quán sau căng thẳng ngoại giao và đồng ý mở đối thoại "mang tính xây dựng" với Mỹ về các vấn đề như an ninh mạng và chính sách đối ngoại, ông Putin không thể hiện bất kỳ điều gì cho thấy cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo sẽ buộc ông phải thay đổi lập trường về bất kỳ vấn đề gì.

Theo hai nhà phân tích Matthew Chance và Luke McGee của CNN, không có lời nói hoa mỹ nào trong cuộc gặp "cân não" với ông Biden có thể ngăn nhà lãnh đạo Nga tiếp tục theo đuổi mạnh mẽ chương trình nghị sự chính trị của mình ở cả trong nước và nước ngoài.

Mặc dù tuyên bố ngay từ đầu cuộc họp báo rằng ông không nghĩ có "bất kỳ sự thù địch nào" giữa ông và Tổng thống Biden, nhưng Tổng thống Putin vẫn liên tục chỉ trích và đáp trả các cáo buộc từ Mỹ xuyên suốt họp báo.

Màn thể hiện của Putin - Biden trong cuộc gặp cân não  - 2

Tổng thống Biden và Tổng thống Putin cùng các quan chức Nga - Mỹ hội đàm tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 16/6 (Ảnh: Reuters).

Khi được hỏi về các vụ tấn công mạng từ lãnh thổ Nga nhằm vào các tổ chức tại Mỹ, ông Putin nói rằng chính Nga cũng từng là nạn nhân của các cuộc tấn công mạng.

Trả lời câu hỏi về tình hình chính trị tại Nga, ông Putin liên tục chỉ trích sự bất ổn trong nội bộ nước Mỹ, đề cập đến vụ bạo loạn tại tòa nhà quốc hội Mỹ hồi tháng 1 và vụ người da màu tại Mỹ bị sát hại.

Đề cập tới cáo buộc truy quét phe đối lập chính trị tại Nga, đặc biệt là vụ bắt giữ chính khách đối lập Alexey Navalny, ông Putin khẳng định đối tượng này cố tình vi phạm luật pháp Nga và đã bị kết án 2 lần.

Liên quan tới vấn đề sáp nhập bán đảo Crimea, ông Putin khẳng định hoạt động quân sự của Nga trong khu vực hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong khi đó, chính Mỹ mới là "kẻ gây hấn" khi tập hợp lực lượng gần biên giới Nga.

Màn thể hiện của Putin - Biden trong cuộc gặp cân não  - 3

Tổng thống Putin họp báo sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Biden (Ảnh: Reuters).

Giới quan sát đã quen với sự tự tin này của Tổng thống Putin.

"Đây chính xác là những gì Điện Kremlin muốn: đối thoại với Mỹ một cách bình đẳng và bên kia không yêu cầu Nga phải thay đổi lập trường như một điều kiện để đối thoại", Oleg Ignatov, nhà phân tích cấp cao về Nga tại tổ chức Crisis Group có trụ sở tại Moscow, nhận định.

Ignatov cho rằng nếu đối thoại bế tắc hoặc diễn biến theo hướng bất lợi cho Nga, ông Putin chắc chắn sẽ tiếp tục "thử thách" ông Biden.

Keir Giles, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Chương trình Nga và Á-Âu thuộc tổ chức nghiên cứu Chatham House (Anh), chỉ ra rằng việc đứng vững trước Mỹ chiếm một phần đáng kể trong thành công của ông Putin tại quê nhà.

"Phản ứng mạnh mẽ của ông Putin, từ những câu hỏi đơn giản của truyền thông Nga cho đến những câu hỏi đầy thách thức từ các phóng viên nước ngoài sẽ giúp ông ghi điểm trước những người Nga tại quê nhà - những người tin rằng chính phương Tây mới là bên nguy hiểm, khó lường và hiếu chiến trong mối quan hệ với Nga", Giles nhận định.

Đối với nhiều người ủng hộ Tổng thống Putin, cuộc gặp với Tổng thống Mỹ giống như bằng chứng cho thấy ông Putin hoàn toàn có lý trong mọi hành động của mình. Họ có thể nhận thấy rằng ông Putin đã đồng ý hợp tác với Mỹ trong các vấn đề quốc tế lớn như an ninh và khôi phục các kênh ngoại giao, trong khi vẫn làm nổi bật những khiếm khuyết trong xã hội Mỹ và bảo vệ chính bản thân nhà lãnh đạo Nga.

"Putin đã đến Geneva và có được chính xác những gì ông ấy muốn. Ông ấy rời Thụy Sĩ với một chiến thắng ngoại giao to lớn", các nhà phân tích của CNN nhận định.

Hai cuộc họp báo khác biệt

Màn thể hiện của Putin - Biden trong cuộc gặp cân não  - 4

Tổng thống Biden dường như cầm giấy nhớ trong cuộc hội đàm với Tổng thống Putin tại Geneva (Ảnh: Hill).

Một số nhà phân tích cũng chỉ ra sự khác biệt giữa ông Biden và ông Putin trong 2 cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh để chứng minh cho nhận định rằng, nhà lãnh đạo Nga dường như đã thể hiện tốt hơn ông chủ Nhà Trắng tại cuộc gặp trực tiếp đầu tiên.

Theo cây bút Joe Concha của The Hill, ông Putin đã phát biểu hơn 55 phút và trả lời hơn 20 câu hỏi trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh với ông Biden. Điều đặc biệt là nhà lãnh đạo Nga không sử dụng máy nhắc chữ một lần nào trong suốt cuộc họp báo.

Trong khi đó, Tổng thống Biden chỉ nhận 7 câu hỏi từ các phóng viên, nhưng sử dụng máy nhắc chữ suốt 11 phút trong phần phát biểu ban đầu. Một chi tiết đáng lưu ý là Tổng thống Biden nói rằng, ông sẽ gọi tên các phóng viên theo danh sách đã được chuẩn bị từ trước.

"Tôi sẽ trả lời câu hỏi của các bạn", Tổng thống Biden nói khi chuyển từ dùng máy nhắc chữ sang phần hỏi đáp. "Và như thường lệ, họ đã cho tôi một danh sách những người tôi sẽ gọi".

Tổng thống Biden chỉ nhận câu hỏi từ 7 phóng viên đã được lựa chọn sẵn và rời sân khấu sau 30 phút, bao gồm cả khoảng thời gian cho bài phát biểu đã được chuẩn bị từ trước.

"Ông Biden một lần nữa tuyên bố rằng ông không thể trả lời câu hỏi từ các phóng viên một cách ngẫu nhiên, trong khi ông Putin làm được điều đó", Joe Concha bình luận.

Khi hội đàm với ông Putin, ông Biden cũng mang theo những tờ giấy nghi là giấy nhớ "nhắc bài". Động thái này, cùng với việc chỉ định phóng viên để đặt câu hỏi, được cho là lý do khiến ông Biden không muốn tổ chức họp báo chung với người đồng cấp Nga.

Màn thể hiện của Putin - Biden trong cuộc gặp cân não  - 5

Tổng thống Biden họp báo sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Putin (Ảnh: Reuters).

Joe Concha cho rằng việc tổng thống phải nhờ tới sự trợ giúp của giấy nhớ khi trả lời câu hỏi khiến ông trở nên "lép vế".

"Nếu bạn đang thắc mắc tại sao đội ngũ của Tổng thống Biden từ chối họp báo chung với ông Putin, thì đây là câu trả lời: Bởi vì bạn hoàn toàn biết rằng ông Putin sẽ cố gắng kéo dài cuộc họp báo với ông Biden trong nhiều giờ nhằm: thứ nhất, không để ông Biden chỉ gọi những phóng viên đã chọn trước cho ông ấy và thứ hai, thể hiện sức chịu đựng tinh thần vượt trội của ông Putin", Joe Concha nhận định.

Phản ứng của ông Biden tại cuộc họp báo lần này khác với cuộc tranh luận giữa các ứng viên phó tổng thống Mỹ vào năm 2012. Vào thời điểm đó, khi đối đầu với ứng viên đảng Cộng hòa Paul Ryan, ông Biden tỏ ra rất quyết liệt, sắc sảo và làm chủ sân khấu.

"Xem lại cuộc họp báo lần này, giống như đang chứng kiến một người khác vậy", Joe Concha cho biết thêm.

Trong cuộc họp báo, ông Biden đã nổi cáu với một nữ phóng viên của CNN sau khi người này đặt câu hỏi về lý do khiến ông tự tin rằng Tổng thống Putin "sẽ thay đổi cách hành xử" sau cuộc họp thượng đỉnh giữa 2 lãnh đạo. Tuy nhiên, trước khi lên chuyên cơ rời Geneva, ông Biden đã đích thân gửi lời xin lỗi phóng viên này.

"Tổng thống thứ 46 trông lép vế trong chuyến đi lần này. Ông ấy trở nên phòng thủ và nổi giận khi trả lời câu hỏi vào cuối cuộc họp báo về cách ứng xử của ông đối với ông Putin (người đã có cuộc họp báo với thời lượng gần gấp đôi so với ông Biden - một chiến thắng dễ dàng khác cho nhà lãnh đạo Nga). Cả thế giới đều thấy điều này", Joe Concha bình luận.