Ông Putin bảo vệ quan hệ Nga - Trung trước sức ép của phương Tây
(Dân trí) - Tổng thống Vladmir Putin cáo buộc các nước phương Tây tìm cách phá hoại quan hệ Nga - Trung, trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow và phương Tây gia tăng gần đây.
Theo SCMP, Tổng thống Vladimir Putin đã lên tiếng ca ngợi mối quan hệ Nga - Trung Quốc "vẫn ở mức cao, bất chấp nỗ lực phá hoại của các nước phương Tây", trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình NBC phát sóng ngày 14/6 giờ Mỹ (cuộc phỏng vấn đầu tiên của Tổng thống Nga với một hãng tin Mỹ kể từ tháng 7/2018).
Ông Putin đã được hỏi rằng liệu Nga có nhận được "100% sự ủng hộ" từ Trung Quốc hay không khi Bắc Kinh bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề Crimea vào năm 2014 và các ngân hàng Trung Quốc liệu đã tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga.
"Chúng tôi có thể thấy rõ những nỗ lực phá hủy mối quan hệ Nga - Trung. Những nỗ lực đó đang được hiện thực hóa bằng các chính sách", Tổng thống Nga nói. Ông Putin khẳng định, Nga không coi Trung Quốc là mối đe dọa. "Bắc Kinh không phải là mối đe dọa đối với Moscow", Tổng thống Nga nhấn mạnh.
"Chúng tôi hài lòng với… mức độ cao chưa từng có trong mối quan hệ Nga - Trung, vốn đã phát triển trong vài thập niên qua, và chúng tôi trân trọng nó, giống như cách của những người bạn Trung Quốc", ông Putin nói thêm. Ông cũng đặt câu hỏi: "Tại sao các bạn lại cố lôi kéo chúng tôi vào con đường mà các bạn đang thiết lập với Trung Quốc?
Nói về quyết định gia hạn Hiệp ước vũ khí hạt nhân START mới (START II) của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Putin ca ngợi đó là bước phát triển tích cực trong quan hệ song phương. Tuy nhiên, ông cũng bác đề xuất nên đưa Trung Quốc vào hiệp ước này.
Bắc Kinh cũng bác đề xuất này, nói rằng, kho dự trữ hạt nhân của họ quá ít so với con số ước tính 70.000 đầu đạn của Mỹ và 54.000 mà Nga đang nắm giữ. Trung Quốc không tiết lộ tiềm lực kho dự trữ hạt nhân của họ nhưng Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính tổng số khoảng 350 đầu đạn.
Tổng thống Putin cũng nói rằng không lo về tiềm lực quân đội Trung Quốc. "Điều quan trọng nhất là bản chất và mức độ mối quan hệ Nga - Trung. Bạn nói Trung Quốc sẽ có 4 tàu sân bay, vậy Mỹ có bao nhiêu?".
Cuộc phỏng vấn của ông Putin cũng đề cập tới hàng loạt chủ đề từ Iran, Ukraine, các cuộc tấn công mạng và số phận của thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny.
Phương Tây và "bài toán Trung Quốc"
Chính quyền của Tổng thống Biden đang kêu gọi các đồng minh nhằm đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc. Yếu tố Trung Quốc cũng phủ bóng từ Hội nghị Thượng đỉnh G7 cho đến Hội nghị Thượng đỉnh NATO, những cuộc gặp cấp cao được đánh giá là phép thử cho lần ra mắt của Tổng thống Biden trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên.
Trong tuyên bố chung hôm 14/6, các nhà lãnh đạo NATO đã cảnh báo về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và coi Nga là mối đe dọa đối với an ninh xuyên Đại Tây Dương.
Bắc Kinh và Moscow đã và đang tăng cường mối quan hệ toàn diện, đặc biệt là kể từ năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea, động thái khiến Moscow hứng chịu các đòn trừng phạt kinh tế cứng rắn từ phương Tây.
Nga và Trung Quốc cũng đã cam kết hợp tác khám phá không gian. Hồi tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Putin đã chứng kiến (trực tuyến) lễ khởi công dự án hợp tác năng lượng hạt nhân, nhà máy điện hạt nhân Tianwan và Xudabao.
Trong cuộc phỏng vấn trên, Tổng thống Putin đã né tránh câu hỏi về vấn đề người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Ông cho rằng, những câu hỏi này nên dành cho Ngoại trưởng của Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng từ chối câu hỏi liệu Nga có cân nhắc tham gia nếu Bắc Kinh và Đài Loan bùng nổ xung đột hay không.
"Trong nhiều năm, Trung Quốc đã và đang phát triển mối quan hệ với Đài Loan. Có những đánh giá khác nhau. Trung Quốc có đánh giá riêng của họ. Mỹ có cách đánh giá khác. Đài Loan có thể có đánh giá khác. Nhưng may mắn là đã không xảy ra đụng độ quân sự", ông Putin nói.
Sau khi bài phỏng vấn của ông Putin được phát sóng, tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh, "không có giới hạn nào" cho hợp tác Nga - Trung.