1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ chế tạo siêu vũ khí không thuốc nổ có thể làm tê liệt đối thủ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ đang tích cực tham gia vào cuộc đua phát triển vũ khí vi sóng và xung điện từ - những khí tài dù không chứa thuốc súng nhưng lại là khắc tinh của nhiều nền quân đội hiện đại.

Mỹ chế tạo siêu vũ khí không thuốc nổ có thể làm tê liệt đối thủ - 1

Một hệ thống HIJENKS do Mỹ phát triển (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Asia Times đưa tin, trong tháng này, Mỹ đang khép lại các cuộc thử nghiệm phát triển vũ khí tấn công điện từ liên hợp công suất cao không động năng (HIJENKS).

HIJENKS tận dụng sự phụ thuộc ngày càng tăng của các cường quốc quân sự vào các thiết bị điện tử tinh vi. Cơ chế hoạt động của nó là sử dụng xung điện từ thực hiện các cuộc tấn công phá hủy hệ thống điện tử, làm hỏng các bộ phận nhạy cảm, từ đó giảm hiệu quả thậm chí làm tê liệt các hệ thống vũ khí tối tân của đối thủ.

Nhà phân tích quốc phòng Kelsey Atherton cho biết, HIJENKS đặc biệt trở nên hữu ích trong cuộc chiến với những nền quân đội triển khai các vũ khí hiện đại. Đây cũng có thể là xu hướng trong tương lai, khi một vũ khí không thuốc nổ có thể gây ra tác động tàn phá trên diện rộng với khí tài đối thủ.

Đặc biệt, theo ông Atherton, các tên lửa đạn đạo sử dụng đầu đạn hạt nhân đặc biệt dễ tổn thương trước các vụ tấn công sử dụng HIJENKS. Yếu tố này có thể làm giảm bớt sức mạnh răn đe hạt nhân từ đối thủ của Mỹ.

Breaking Defense mô tả HIJENKS là một thiết bị vi sóng công suất cao được gắn trên tên lửa hành trình phóng từ trên không JASSM-ER đã được sửa đổi, biến nó thành vũ khí tấn công điện tử tầm xa.

Mục tiêu của việc phát triển vũ khí xung điện từ là tạo ra khí tài không gây chết người, nhưng có uy lực vô hiệu hóa các mục tiêu điện tử đối phương và tạo ra một phương án hiệu quả về chi phí thay cho các loại vũ khí nổ truyền thống vốn khó xâm nhập các mục tiêu kiên cố hoặc dưới lòng đất.

Các xung điện từ có thể truyền tới các trung tâm chỉ huy dưới lòng đất, phá hỏng các thiết bị điện tử nhạy cảm như máy tính, nguồn cấp điện, thiết bị thông tin liên lạc. Từ đó, hoạt động chỉ huy của đối phương sẽ bị tê liệt hoàn toàn, mang lại lợi thế áp đảo cho Mỹ. 

Tuy nhiên, đối thủ của Mỹ, Trung Quốc, cũng không ngồi yên và được xem cũng đang phát triển vũ khí xung điện từ của riêng họ.

Năm ngoái, SCMP đưa tin, Bắc Kinh đang trong giai đoạn chế tạo vũ khí siêu vượt âm có khả năng phát ra xung điện từ cường độ cao đủ để vô hiệu hóa mạng lưới thông tin liên lạc và đường dây điện trong phạm vi 2km.

Cơ chế hoạt động của vũ khí Trung Quốc khác với Mỹ. Trong khi HIJENKS sử dụng một thiết bị vi sóng công suất cao để phát ra xung năng lượng bắn vào mục tiêu, thì vũ khí của Trung Quốc sử dụng một vụ nổ hóa học để chuyển đổi năng lượng xung kích thành các vụ nổ điện từ ngắn nhưng mạnh mẽ.

Ngoài Trung Quốc, một đối thủ khác của Mỹ là Nga cũng tích cực thử nghiệm vũ khí xung điện từ. Military Watch đưa tin, 2 dòng tiêm kích mới nhất của Nga là MiG-41 và Su-57 có thể sẽ được tích hợp súng xung điện từ tầm xa với khả năng tấn công trong phạm vi 20km, ngang với các tên lửa không đối không tầm ngắn.

Theo Asia Times