Mỹ, châu Á tăng chi tiêu quốc phòng đối phó Trung Quốc
(Dân trí) - Trong một nghiên cứu mới đây, Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) của Anh đã cho biết lo ngại về Trung Quốc tăng cường quân sự cùng với việc Bắc Kinh đang gia tăng bành trướng trên Biển Đông đã khiến chi tiêu quốc phòng tại các nước châu Á và Mỹ tăng mạnh.
Theo nghiên cứu của IISS ra hôm thứ Ba tuần này, chi tiêu cho quốc phòng tại châu Á đã gia tăng mạnh, trong khi chi tiêu bình quân cho quốc phòng trên toàn thế giới lại giảm 4,2%.
“Năm 2015 châu Á chi tiêu khoảng 100 tỷ USD cho quốc phòng, hơn hẳn các quốc gia thành viên NATO tại châu Âu”, IISS cho hay trong báo cáo ngân sách quốc phòng năm 2016.
Tại châu Á, Trung Quốc đứng đầu với 146 tỷ USD chi tiêu ngân sách cho quốc phòng năm 2015, tăng 11%, tiếp theo là Philippines, tăng 10% ngân sách để hiện đại và bảo dưỡng các khí tài. Trong khi đó, Ấn Độ chi 48 tỷ USD cho quốc phòng, Nhật Bản 41 tỷ USD và Úc 23 tỷ USD.
Theo IISS, chính việc lo ngại Trung Quốc đang tăng cường bành trướng trên Biển Đông và Hoa Đông đã khiến các nước châu Á tăng chi tiêu cho quốc phòng. Điều này trở thành chủ đề chính trị nóng hổi tại châu Á-Thái Bình Dương.
Các chuyên gia phân tích nhấn mạnh nhằm theo đuổi các mục tiêu chính trị dài hạn tại châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Kinh đã mạnh tay chi tiêu cho các chương trình phát triển và nghiên cứu quân sự. Chính các khoản đầu tư cho phép Trung Quốc đạt những bước tiến dài trong lĩnh vực công nghệ tên lửa đạn đạo, vũ khí không gian mạng và nhiều lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về chi tiêu ngân sách cho quốc phòng. Năm ngoái, Mỹ đã rót khoảng 560 tỷ USD vào lĩnh vực quốc phòng, theo Bộ Quốc phòng Mỹ. Trong đó, Washington đã rót một tỷ lệ không nhỏ vào các hoạt động nhằm đối phó với Trung Quốc, theo giới chức Mỹ.
Năm 2017, Lầu Năm Góc đề xuất ngân sách quốc phòng lên đến gần 583 tỷ USD. Phần lớn khoản ngân sách sẽ chi cho các chương trình quốc phòng để nhằm vượt hay ít nhất cũng bắt kịp với tốc độ hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.
“Khả năng siêu việt về công nghệ quân sự của các nước phương Tây trong 2 thập niên vừa qua đang bị xói mòn. Việc giảm tốc hay chuyển đổi xu hướng (xói mòn) này sẽ là một nhiệm vụ quan trọng của các nhà hoạch định chiến lược phương Tây trong thập niên tới”, Tổng Giám đốc IISS John Chipman phát biểu với báo giới tại London tuần này.
Vũ Duy
Theo Chinatopix