Đô đốc Mỹ: Việt Nam buộc Trung Quốc có trách nhiệm
Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ vừa khen ngợi nỗ lực của Việt Nam đã buộc Trung Quốc có trách nhiệm tại Biển Đông.
Tuyên bố trên được Đô đốc Harry Harris đưa ra tại cuộc gặp các nhà báo Đông Nam Á đang trên đường đến Mỹ đưa tin về hội nghị thượng đỉnh tuần tới ở California giữa Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo ASEAN.
Đề cập đến Trung Quốc, Đô đốc Harris nói: “Chúng tôi ý thức rõ về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Tôi tin rằng các hoạt động của họ có tính khiêu khích. Tôi nghĩ rằng các việc đó góp phần vào căng thẳng trong khu vực”, và ông đưa ra nhận xét rằng: “Các bạn phải làm việc mạnh mẽ hơn cùng nhau với tư cách là khối ASEAN. Tôi khen ngợi các nỗ lực của Việt Nam và Philippines buộc Trung Quốc phải có trách nhiệm giải trình”.
Về vấn đề Mỹ tuần tra trên biển Đông, ông Harris nhấn mạnh: “Những cuộc tuần tra chúng tôi thực hiện, đơn phương hay chung với nước khác, không chỉ ở Biển Đông mà cả trong khu vực, giúp giảm căng thẳng và cải thiện sự ổn định vì việc đó củng cố cho khái niệm là tự do hàng hải”.
Đồng thời vị đô đốc này còn hoan nghênh các nước vùng Thái Bình Dương tham gia các hoạt động với Mỹ khẳng định tự do hàng hải, thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với gần 3,5 triệu kilomet vuông diện tích Biển Đông.
Trước khi đưa ra tuyên bố này, giới chức Mỹ đã nhiều lần công khai ủng hộ những tuyên bố của Việt Nam về chủ quyền Biển Đông phù hợp với UNCLOS.
Giới chuyên gia Mỹ cho rằng các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông là phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Việt Nam không có các hoạt động xây dựng mới các đảo tại Biển Đông giống như Trung Quốc đang thực hiện trái phép.
Trả lời trên tạp chí "Chính trị Thế giới" cuối năm 2015, chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết "không có bằng chứng nào cho thấy Việt Nam có các hoạt động xây dựng đảo tại Biển Đông- tức là việc tạo ra các vùng đất trên mặt nước từ các đặc tính nửa nổi nửa chìm nhằm thay đổi tình trạng pháp lý của đặc tính đó".
Chuyên gia này cho rằng đây là việc mà Trung Quốc đã và đang làm với ít nhất 3 trong số các các đặc tính mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, và đó chính là điều khiến Mỹ và các nước khác có tuyên bố chủ quyền tại khu vực quan ngại nhất.
Ông Poling nhận định hoạt động cải tạo của Việt Nam tại Biển Đông khác hoàn toàn về quy mô cũng như hiệu ứng pháp lý so với các hoạt động của Trung Quốc.
Đánh giá về các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, ông Poling cho biết Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Biển Đông. Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ bờ biển, và thềm lục địa mở rộng ở hai phần của Biển Đông theo đúng quy định của UNCLOS.
Tuyên bố chủ quyền thềm lục địa mở rộng của Việt Nam đưa ra năm 2009 cho thấy rằng ngoài việc tuyên bố chủ quyền với vùng lãnh thổ 12 hải lý xung quanh các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam không tuyên bố chủ quyền với các vùng nước ngoài 12 hải lý hoặc đáy biển xung quanh các đảo đó.
Không chỉ ủng hộ Việt Nam trong những tuyên bố về Biển Đông, Chính quyền của Tổng thống Barack Obama còn tuyên bố sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường trinh sát, do thám và thu thập thông tin tình báo hàng hải, trong bối cảnh Trung Quốc không che giấu tham vọng thâu tóm Biển Đông.
Trong thông cáo gửi cho báo chí hôm 17/11/2015, Mỹ thông báo sẽ trợ giúp Việt Nam 40 triệu USD để tăng cường năng lực hàng hải trong vòng hai năm tới. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ giúp đỡ các cơ quan hàng hải của Việt Nam tăng cường khả năng kiểm soát và chỉ huy.
Thêm nữa, Mỹ cũng lặp lại tuyên bố trước đây rằng sẽ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương liên quan tới hàng hải để tăng cường năng lực cho Việt Nam cũng như mở rộng các cuộc thao dượt và huấn luyện giữa hai nước, tập trung vào các vấn đề cứu nạn và nhân đạo.
Hôm 18/11/2015, sau cuộc gặp tới Tổng thống nước chủ nhà, ông Benigno Aquino, ông Obama đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt việc xây dựng trên các hòn đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp ở Biển Đông.
Cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước đồng minh diễn ra một ngày sau khi Việt Nam và Philippines nâng mối quan hệ song phương lên tầm chiến lược.
Theo Tuấn Vũ
Đất Việt