1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ cảnh báo mối đe dọa từ “Sát thủ đảo Guam” của Trung Quốc

(Dân trí) - Tên lửa DF-26 của Trung Quốc, hay còn gọi là “Sát thủ đảo Guam”, với khả năng tiêu diệt các mục tiêu từ khoảng cách hơn 5.000 km, đã trở thành mối đe dọa ngày càng lớn với các căn cứ quân sự và sự ổn định của quân đội Mỹ ở khu vực rìa Thái Bình Dương.

Tên lửa tầm trung DF-26 của Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Tên lửa tầm trung DF-26 của Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Ủy ban đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ - Trung (USCC) thuộc chính phủ Mỹ mới đây đã công bố báo cáo đánh giá sự nguy hiểm của tên lửa DF-26 do Trung Quốc phát triển. USCC cho biết tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 của Trung Quốc, trình làng hồi cuối tháng 9 năm ngoái trong một buổi duyệt binh tại Bắc Kinh và được các chuyên gia đặt cho biệt danh “Sát thủ đảo Guam”, cho phép Trung Quốc có thể triển khai những cú đánh chất lượng nhất từ trước đến nay nhằm vào khu vực đảo Guam của Mỹ.

Báo cáo của USCC khẳng định, tên lửa DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung đầu tiên của Trung Quốc có khả năng bắn tới đảo Guam và có thể coi là đỉnh cao trong công nghệ phát triển tên lửa đạn đạo của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.

Một cuộc nghiên cứu do trang Missilethreat.com tại Viện nghiên cứu George C. Marshall ở Washington thực hiện vào năm ngoái đã từng đưa ra lời cảnh báo rằng: “Trước khi triển khai tên lửa DF-26, cách duy nhất để Trung Quốc có thể tấn công đảo Guam là sử dụng máy bay ném bom chiến lược H-6K. Tuy nhiên, đứng trước khả năng phòng thủ mạnh mẽ của quân đội Mỹ tại căn cứ trên đảo Guam, việc triển khai các máy bay này của Trung Quốc tỏ ra kém hiệu quả hơn nhiều”.

Vị trí của đảo Guam cách Bắc Kinh khoảng 4.000 km, do vậy, tầm bắn của các tên lửa tầm trung thông thường đặt trên đất liền của Trung Quốc sẽ phải vươn xa thêm 1.000 km nữa mới tới được đảo Guam. Tuy nhiên, với sự ra đời của “Sát thủ đảo Guam” với tầm bắn lên tới hơn 5.000 km, đảo Guam trở thành mục tiêu chinh phục dễ dàng của quân đội Trung Quốc.

Đảo Guam, nơi Mỹ đặt căn cứ không quân Andersen và căn cứ hải quân Apra, là khu vực cho phép Mỹ triển khai sức mạnh xuyên Thái Bình Dương trong khi vẫn có thể giữ cho các lực lượng quân đội và căn cứ quân sự của Mỹ một khoảng cách an toàn so với mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên.

Tập đoàn nghiên cứu quốc phòng RAND của Mỹ cảnh báo rằng một cuộc tấn công tên lửa với khoảng 100 tên lửa đạn đạo tầm trung như DF-26 có thể đóng cửa căn cứ không quân Andersen của Mỹ trên đảo Guam trong vòng 11 ngày. Đó là mối đe dọa đối với sự ổn định của khu vực rìa Thái Bình Dương.

Báo cáo của USCC được đưa ra cùng thời điểm Mỹ điều một tàu khu trục có tên lửa dẫn đường thực hiện tuần tra tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo, xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập. Trung Quốc đã đáp trả động thái này của Mỹ bằng cách ngang nhiên điều máy bay chiến đấu và đưa tàu chiến ra xua đuổi tàu khu trục Mỹ.

Mới đây, trong báo cáo thường niên trình lên Quốc hội Mỹ, Lầu Năm Góc đã vạch ra những diễn biến quân sự, an ninh của Trung Quốc, bao gồm việc Bắc Kinh tìm cách bành trướng trên phạm vi toàn cầu và việc sẵn sàng gia tăng căng thẳng ở các vùng tranh chấp trên Biển Đông. Báo cáo nhận định: “Trung Quốc đang dùng chiến thuật cưỡng bức để thúc đẩy các lợi ích của họ theo cách được tính toán dưới ngưỡng có thể làm bùng lên một cuộc xung đột”.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm