1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

EU ủng hộ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông

(Dân trí) - Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ tự do hàng hải, hàng không trên các vùng biển khắp thế giới, bao gồm cả Biển Đông. EU mong muốn các bên trong tranh chấp Biển Đông sớm đi tới biện pháp giải quyết tranh chấp phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).


Ông Francisco Fontan Pardo, Đại sứ EU đầu tiên tại ASEAN

Ông Francisco Fontan Pardo, Đại sứ EU đầu tiên tại ASEAN

Ông Francisco Fontan Pardo, người nhậm chức Đại sứ EU đầu tiên tại ASEAN hồi tháng 9/2015, đã đưa ra các bình luận trên trong chuyến công tác tại Hà Nội trong tuần này.

Trả lời câu hỏi của báo chí về tình hình Biển Đông hôm 12/5, ông Francisco cho hay lượng giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và đường không qua Biển Đông rất lớn, vì vậy vấn đề tự do hàng hải, hàng không tại vùng biển này không chỉ rất quan trọng với khu vực mà còn với thế giới nói chung, trong đó có EU.

“Khu vực ASEAN có số lượng tàu hàng di chuyển qua lại lớn nhất thế giới, chiếm tới 40-50% của thế giới. Tất cả các quốc gia, kể cả các quốc gia không có bờ biển, đều bị ảnh hưởng bởi an ninh hàng hải trong khu vực”, ông Francisco nhận định.

Nhà ngoại giao châu Âu cho hay EU rất quan tâm tới tình hình Biển Đông. Cách đây hơn 1 tháng, liên minh châu Âu thay mặt 28 quốc gia thành viên đã đưa ra tuyên bố liên quan tới Biển Đông, bày tỏ quan ngại về việc triển khai các thiết bị quân sự tới các khu vực tranh chấp. Ông Francisco nói mặc dù EU không phải là một bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng quan tâm tới giải pháp để giải quyết vấn đề Biển Đông.

Ông Francisco Fontan Pardo là nhà ngoại giao kỳ cựu của Liên minh châu Âu. Ông bắt đầu làm việc cho Liên minh châu Âu năm 1996 và kể từ đó đã đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau ở các nước, trong đó có Việt Nam và Indonesia. Ông nhậm chức Đại sứ EU đầu tiên tại ASEAN kể từ tháng 9/2015.

“Giữa những người hàng xóm luôn có sự khác biệt, nhưng điều quan trọng là cách họ giải quyết các khác biệt đó... Chúng tôi mong muốn các giải pháp phải phù hợp luật pháp quốc tế cũng như Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS)”, ông nói.

Ông Francisco khẳng định Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ tự do hàng hải, hàng không trên các vùng biển khắp thế giới, bao gồm cả Biển Đông.

“Chúng tôi thường không bình luận về các cuộc tuần tra tự do hàng hải của các nước cũng như của Mỹ ở Biển Đông. Nhưng tôi biết các tuần tra này được thực hiện theo luật pháp quốc tế và chúng tôi ủng hộ luật pháp quốc tế”, nhà ngoại giao EU tuyên bố.

Theo ông Francisco, trong vấn đề Biển Đông, điều quan trọng là ASEAN phải duy trì và bảo vệ tính trung tâm, thống nhất. ASEAN đang thúc đẩy đàm phán COC với Trung Quốc và một khi có COC thì thỏa thuận này sẽ giúp ngăn chặn các vụ xâm phạm lãnh hải.

Liên minh châu Âu, gồm 28 quốc gia thành viên, đã thống nhất một chiến lược về an ninh hàng hải và mong muốn chia sẻ kinh nghiệm này với ASEAN.

EU hỗ trợ ASEAN trên 3 trụ cột: văn hóa, xã hội, an ninh

Theo ông Francisco, các vấn đề an ninh và ổn định trong khu vực Đông Nam Á ngày càng trở nên quan trọng đối với an ninh và sự ổn định tại châu Âu. Bên cạnh sự hợp tác về kinh tế, EU cũng hỗ trợ ASEAN các trụ cột văn hóa, xã hội, an ninh.

“Thành công của ASEAN cũng là thành công của EU. Đó là lý do EU quyết định đầu tư thêm vào mối quan hệ với ASEAN và thậm chí còn đang thảo luận để đưa mối quan hệ lên tầm chiến lược. Chúng tôi chỉ có 10 quan hệ đối tác chiến lược trên thế giới. Vì vậy, sẽ rất tuyệt vời khi EU muốn đưa quan hệ với ASEAN lên tầm cao mới, điều đó có nghĩa là các cuộc thảo luận giữa các lãnh đạo các quốc gia của hai bên sẽ thường xuyên hơn trên các lĩnh vực”, ông nói.

Trong giai đoạn 2014-2020, EU đã tăng đáng kể viện trợ cho các quỹ hợp tác phát triển để ASEAN thực hiện các mục tiêu và kế hoạch của Cộng đồng ASEAN lên trên 170 triệu euro, hơn gấp đôi so với giai đoạn 2007-2013. Ngoài ra, EU còn cam kết viện trợ trên 3 tỷ euro để giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển tại các quốc gia thu nhập thấp trong khối ASEAN.

“EU là đối tác rất mạnh mẽ về kinh tế, thương mại, đầu tư của ASEAN. EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN, nhà đầu tư lớn thứ 3 của ASEAN, đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU tại ASEAN lớn hơn cả Mỹ và Nhật Bản cộng lại. ASEAN cũng ngày càng xuất khẩu nhiều hơn sang châu Âu”.

“Về thương mại, chúng tôi vừa ký kết hiệp định thương mại với Việt Nam và đây là bước đệm để ký hiệp định thương mại khu vực với khu vực. Số lượng du khách, doanh nhân, nhà trí thức đi lại giữa EU và Asean tăng 10% mỗi năm. Chúng tôi đang thảo luận một hiệp định hàng không dân dụng giữa ASEAN và châu Âu”, Đại sứ EU tại ASEAN cho biết.

Trong hợp tác về trụ cột an ninh, hai bên chú trọng tới các lĩnh vực như quản lý biên giới, hợp tác với Interpol, chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, hợp tác về quân sự và an ninh hàng hải.

Hai bên đã tổ chức 2 cuộc đối thoại về an ninh và trong năm nay sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc đối thoại tại Thái Lan và Philippines. Về góc độ an ninh, việc quản lý tốt an ninh hàng hải sẽ giúp tránh các va chạm trong giao thông trên biển cũng như tại các cảng và chống buôn lậu.

“Chúng tôi rất quan tâm tới Diễn đàn khu vực châu Á (ARF) trong vấn đề an ninh và ổn định. Chúng tôi cũng quan tâm tất cả các diễn đàn trong khu vực, trong đó có Thượng đỉnh Đông Á. Vào tháng 10 tới, Ngoại trưởng ASEAN và EU sẽ gặp nhau tại Thái Lan”, ông nói.

Nói về tương lai quan hệ EU, ông Francisco cho hay hai bên đang hướng tới năm 2017, khi ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập và EU-ASEAN kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đại sứ hi vọng năm tới, hai bên có thể nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới.

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm