1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ - Campuchia căng thẳng sau chuyến thăm cảng có "bóng dáng" Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Mối quan hệ giữa Mỹ và Campuchia trở nên căng thẳng hơn sau khi Phnom Penh cáo buộc Washington can thiệp trong chuyến thăm của tùy viên quốc phòng Mỹ tới căn cứ quân sự Campuchia.

Mỹ - Campuchia căng thẳng sau chuyến thăm cảng có bóng dáng Trung Quốc - 1

Các thủy thủ tại căn cứ hải quân Ream (Ảnh: EPA).

Trung tướng Suon Samnang, Phó Cục trưởng phụ trách chính sách và đối ngoại của Bộ Quốc phòng Campuchia, ngày 11/6 cho biết tùy viên quốc phòng Mỹ sắp mãn nhiệm, Đại tá Marcus Ferrara, muốn thị sát một địa điểm tại căn cứ hải quân Ream, nơi từng có các tòa nhà do Mỹ xây dựng.

Việc Campuchia phá bỏ các tòa nhà do Mỹ viện trợ mà không thông báo trước cho Washington vào năm ngoái, cùng với việc Campuchia hoàn thành gấp rút 2 tòa nhà mới tại căn cứ hải quân Ream trong năm nay khiến Mỹ lo ngại rằng, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc nâng cấp căn cứ ở tỉnh Sihanoukville.

"Ông Ferrara đã tìm cách thị sát các khu vực khác (của căn cứ) mà không cần thiết cũng như không có tên trong các đề xuất được gửi cho chúng tôi trước đó", tướng Samnang nói với truyền thông địa phương trong một bản ghi do bộ phận thông tin của Bộ Quốc phòng Campuchia công bố.

"Ông ấy ngay lập tức đưa ra một đề xuất mới, nhằm tiến gần đến khu vực các nhà bếp và phòng ngủ của chúng tôi. Đó là một sự can thiệp vào trung tâm của chúng tôi", quan chức Bộ Quốc phòng Campuchia nói thêm.

Trong một tuyên bố riêng, Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết các hành động của tùy viên quốc phòng Mỹ trong chuyến thăm kéo dài 3 giờ tới căn cứ Ream có thể "tác động tiêu cực hơn nữa đến mối quan hệ quốc phòng" giữa cả hai nước, đồng thời nhấn mạnh rằng Washington cần "tôn trọng chủ quyền và bí mật quân sự của Phnom Penh". Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia khẳng định lực lượng này đã "chân thành" khi tổ chức chuyến thăm cho tùy viên Mỹ theo quyết định của Thủ tướng Hun Sen.

Bộ Quốc phòng Campuchia nói thêm rằng, các yêu cầu của Mỹ về một chuyến thăm trong tương lai sẽ được xem xét, nhưng chúng chỉ nên được duy trì trong khuôn khổ một chuyến thăm, thay vì trở thành chuyến "thị sát hoặc khám xét".

Chuyến đi của Đại tá Ferrara tới căn cứ hải quân Ream được tiến hành sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đưa ra yêu cầu với phía Campuchia nhân chuyến thăm của bà tới thủ đô Phnom Penh vào ngày 1/6, trong đó bà Sherman cảnh báo "những lo ngại nghiêm trọng" về sự hiện diện quân sự tiềm tàng của Trung Quốc tại căn cứ này.

Theo Khmer Times, ngay sau chuyến thăm của đặc phái viên quốc phòng, Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh đã ra tuyên bố cáo buộc các quan chức quân sự Campuchia từ chối cho phép Đại tá Ferrara tiếp cận đầy đủ căn cứ Ream. Đại sứ quán Mỹ cho rằng các chuyến thăm "định kỳ và thường xuyên" của các đặc phái viên quân sự Mỹ cũng như nước ngoài tới căn cứ quân sự của Campuchia là "một bước quan trọng hướng tới sự minh bạch hơn và tin cậy lẫn nhau".

Bộ Quốc phòng Campuchia cho rằng phản ứng của Đại sứ quán Mỹ nhằm "cố gắng tạo ra các vấn đề mới và bóp méo sự thật", có thể tạo thêm tác động tiêu cực đến quan hệ quốc phòng giữa hai nước.

Củng cố lòng tin

Mỹ - Campuchia căng thẳng sau chuyến thăm cảng có bóng dáng Trung Quốc - 2

Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tại Phnom Penh (Ảnh: AFP).

Theo SCMP, Sek Sophal, nhà nghiên cứu an ninh tại Đại học Châu Á - Thái Bình Dương Ritsumeikan ở Nhật Bản, cho biết "quan hệ Mỹ - Campuchia, đặc biệt là quan hệ quân sự, đã bị tổn hại bởi sự ngờ vực chiến lược ngày càng tăng".

"Khi Campuchia từ chối yêu cầu của đại sứ quán Mỹ được tiếp cận đầy đủ căn cứ hải quân, căng thẳng lại bùng lên và có thể đây chưa phải là lần cuối cùng. Việc khôi phục lòng tin chính trị là vô cùng khó khăn", ông Sophal nói, đồng thời nhận định mặc dù Phnom Penh có quyền từ chối cho phép đặc phái viên Mỹ tiếp cận đầy đủ căn cứ hải quân, song điều này "không có nghĩa là Campuchia đang đặt bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào" tại đó.

Trung Quốc là đồng minh nước ngoài thân cận nhất và là nhà đầu tư lớn nhất của Campuchia. Vào tháng 5, Bộ Thương mại Campuchia ước tính kim ngạch thương mại Trung Quốc - Campuchia đạt 3 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm nay, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 424 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, tăng 42%.

Washington lần đầu tiên đưa ra cảnh báo vào tháng 6/2019 khi cho rằng, việc Campuchia rút lại yêu cầu cho phép Mỹ nâng cấp căn cứ hải quân Ream "có thể là dấu hiệu cho thấy những kế hoạch thay đổi lớn hơn tại căn cứ này, đặc biệt là những kế hoạch liên quan đến việc lưu trữ khí tài quân sự của Trung Quốc".

Một tháng sau, Wall Street Journal đưa tin Phnom Penh và Bắc Kinh đã đạt được một "thỏa thuận bí mật" nhằm cho phép Trung Quốc "đưa quân nhân, cất giữ vũ khí và cập cảng tàu chiến" tại căn cứ Ream. Cả Campuchia và Trung Quốc đều bác bỏ cáo buộc này.

Chỉ đến tháng 10 năm ngoái, khi cơ sở thứ hai do Mỹ xây dựng tại Ream bị phá bỏ, các quan chức địa phương mới thừa nhận rằng Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng các cơ sở mới tại căn cứ cho hải quân Campuchia, bao gồm các cầu tàu và xưởng sửa chữa tàu thuyền cũng như nạo vét xung quanh vịnh.

Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh tuần trước cho biết Trung Quốc giúp hiện đại hóa và mở rộng căn cứ Ream, nhưng nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ không được độc quyền sử dụng căn cứ này.

Chuyên gia Sophal tại Đại học Ritsumeikan cho biết, các dự án tại Ream có thể sẽ được tiến hành ngay bây giờ khi Phnom Penh đã công khai thừa nhận rằng Trung Quốc có liên quan tới căn cứ hải quân Ream.

"Đây có thể là một phản ứng có tính toán của chính phủ Campuchia. Nếu đúng như vậy, dự án có thể sẽ được tiếp tục", chuyên gia Sophal cho biết.

Sovinda Po, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Griffith của Australia, nhận định mặc dù thất bại, song chuyến thăm của tùy viên quốc phòng Mỹ có thể là cách để xây dựng lòng tin giữa Mỹ và Campuchia trong vấn đề liên quan tới căn cứ Ream.

"Phnom Penh đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc chấp nhận viện trợ của Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu nâng cấp căn cứ hải quân kém phát triển và hạ tầng thấp, trong khi vẫn đảm bảo với Washington rằng dự án sẽ không gây tổn hại đến an ninh và ổn định của khu vực với sự hiện diện của quân đội Trung Quốc", ông Po cho biết.

Chuyên gia Sovinda cho rằng Campuchia nên đa dạng hóa nguồn viện trợ cho căn cứ Ream và chấp nhận nguồn viện trợ từ cả Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đó, Washington cũng nên công nhận và đáp ứng nhu cầu phát triển hải quân của Phnom Penh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm