1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ bán 12 trực thăng tấn công cho Australia sau thỏa thuận tàu ngầm lịch sử

Thành Đạt

(Dân trí) - Chính phủ Mỹ đã quyết định bán 12 trực thăng tấn công và một máy bay tác chiến điện tử cho Australia với trị giá gần 1 tỷ USD.

Mỹ bán 12 trực thăng tấn công cho Australia sau thỏa thuận tàu ngầm lịch sử - 1

Australia sẽ mua 12 trực thăng MH-60R Seahawk của Mỹ (Ảnh: AFP).

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8/10 cho biết, Australia đã đề xuất mua 12 trực thăng MH-60R Seahawk và các thiết bị đi kèm với giá 985 triệu USD.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thông báo với quốc hội Mỹ về quyết định tiến hành thương vụ này với Australia.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Australia cũng đề xuất mua một máy bay tác chiến điện tử Boeing EA-18G Growler và Washington đã đồng ý với đề xuất này.

"Australia là một trong những đồng minh quan trọng nhất của chúng tôi ở Tây Thái Bình Dương. Vị trí chiến lược của cường quốc kinh tế và chính trị này góp phần đáng kể vào việc đảm bảo hòa bình và ổn định kinh tế trong khu vực", Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, "điều quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Mỹ là hỗ trợ đồng minh của Mỹ phát triển và duy trì khả năng tự vệ mạnh mẽ và sẵn sàng".

Australia hiện có 24 máy bay trực thăng Seahawk và khoảng 10 máy bay Growler.

Sau cuộc gặp giữa bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Australia hồi tháng 9, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng, thúc đẩy phối hợp hành động và làm sâu sắc hơn các hoạt động liên minh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Australia cam kết sẽ tăng cường đáng kể quan hệ hợp tác với Mỹ, bao gồm hợp tác về phát triển tên lửa và vật liệu nổ. Thủ tướng Australia Scott Morrison trước đó nói rằng Australia sẽ mua các tên lửa hành trình Tomahawk tầm xa.

Thông báo về thương vụ máy bay mới của Mỹ và Australia được công bố sau khi Australia hồi tháng 9 tuyên bố hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm thông thường trị giá hơn 40 tỷ USD của tập đoàn Pháp Naval Group. Thay vào đó, Australia quyết định đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân dựa trên công nghệ được Mỹ và Anh cung cấp, theo thỏa thuận liên minh 3 bên có tên gọi AUKUS.

AUKUS được đánh giá là nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, song đã khiến Pháp "phật lòng". Paris thậm chí gọi đây là "cú đâm sau lưng" của các đồng minh.

Các thỏa thuận an ninh và thương vụ vũ khí được công bố trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh, trong đó có Australia, đang tìm cách đối phó với sức mạnh và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thỏa thuận mới của Mỹ, Australia và Anh khiến Trung Quốc "nóng mặt". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Mỹ và các đồng minh đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của khu vực, tăng cường chạy đua vũ trang và gây tổn hại cho các nỗ lực quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Bắc Kinh đã nổi giận về thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, Anh, Australia trong bối cảnh Australia đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng cả về ngoại giao và thương mại từ Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng các quan hệ đối tác của Mỹ và đồng minh không nên nhắm vào nước thứ ba.