1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ bác bỏ cáo buộc do thám của Pháp

(Dân trí) - Trước những phản ứng giận dữ từ phía Pháp liên quan đến cáo buộc tình báo Mỹ đã do thám người Pháp trên diện rộng, giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ James Clapper hôm qua đã bất ngờ lên tiếng phủ nhận. Ông tuyên bố cáo buộc đó là “sai”.

Trước đó tờ Le Monde của Pháp đã khiến dư luận nước này xôn xao khi khẳng định các điệp viên Mỹ đã đột nhập vào các mạng viễn thông nước ngoài, cài đặt nhiều phần mềm gián điệp vào hàng triệu máy tính. Bài báo khẳng định có được thông tin dựa trên những tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden.

Ông James Clapper - giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ
Ông James Clapper - giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ

Tuy nhiên, ông James Clapper - giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ khẳng định: “Những bài báo gần đây được tờ báo Pháp Le Monde xuất bản đã chứa những thông tin không chính xác, gây hiểu lầm liên quan đến các hoạt động tình báo nước ngoài của Mỹ.

Cáo buộc rằng Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) đã thu thập hơn 70 triệu bản ghi dữ liệu điện thoại của công dân Pháp là sai”, ông Clapper tuyên bố.

Vị quan chức này khẳng định sẽ không bàn thảo chi tiết các hoạt động theo dõi, nhưng thừa nhận “Mỹ thu thập các thông tin tình báo dạng tương tự như tất cả các quốc gia khác vẫn làm”.

Ông cũng không phản bác một cách cụ thể cáo buộc rằng NSA đã theo dõi các nhà ngoại giao Mỹ tại Washington và Liên hợp quốc.

Tuyên bố của vị giám đốc tình báo Mỹ được đưa ra sau khi Le Monde đăng tải chi tiết về Genie, một chương trình theo dõi được cho là của NSA, trong đó các phần mềm gián điệp được cài vào các máy tính ở ngoài nước Mỹ từ xa, bao gồm cả các đại sứ quán nước ngoài.

Các chi tiết được dựa trên bản thông tin nội bộ của NSA được Edward Snowden tiết lộ thông qua nhà báo Glen Greenwald, người sắp chia tay tờ Guardian của Anh.

Bản báo cáo khẳng định những “con rệp” điện tử đã được cài vào đại sứ quán Pháp tại Washington, và vào máy tính của các đoàn đại biểu Pháp tại Liên hợp quốc. Chương trình này mang tên mã “Blackfoot”.

Bài viết khẳng định trong năm 2011, Mỹ đã cấp 652 triệu USD cho chương trình này để “cấy gián điệp”. Hàng chục triệu máy tính được báo cáo đã bị đột nhập trong năm đó.

Một tài liệu đề tháng 8/2010 cho thấy thông tin tình báo được đánh cắp từ các máy tính của đại sứ quán nước ngoài đã giúp Mỹ biết trước quan điểm của các nước thành viên Hội đồng Bảo an khác, trước khi Liên hợp quốc bỏ phiếu về một nghị quyết áp đặt cấm vận mới với Iran.

Bản báo cáo của NSA đã dẫn lời bà Susan Rice, đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc khi đó ngợi khen công việc của cơ quan này. “Nó giúp tôi biết được…sự thật, và tiết lộ quan điểm của các nước khác về các lệnh cấm vận, cho phép chúng ta đi trước một bước trong các cuộc đàm phán”.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (phải) bắt tay ngoại trưởng Mỹ Kerry
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (phải) bắt tay ngoại trưởng Mỹ Kerry

“Không thể chấp nhận được”

Trong bữa ăn trưa ngày hôm qua với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã nhân dịp này yêu cầu phía Mỹ giải thích rõ về các cáo buộc trên.

Liên quan đến cuộc gọi giữa Tổng thống hai nước, ông Fabius cho biết: “Tôi đã lặp lại với ông John Kerry những gì Tổng thống Francois Hollande nói với Barack Obama, đó là hành động gián điệp quy mô lớn của người Mỹ đối với các đồng minh của họ là một điều không thể chấp nhận được”.

Khi được hỏi liệu Pháp có cân nhắc việc trả đũa Mỹ hay không, người phát ngôn chính phủ Pháp Najat Vallaud-Belkacem nói: “Việc này tùy thuộc vào Ngoại trưởng Fabius quyết định nhưng tôi không nghĩ cần thiết phải leo thang.

Chúng ta cần phải có một mối quan hệ trân trọng với các đối tác, giữa những đồng minh. Sự tin tưởng của chúng ta vào mối quan hệ đó đã bị tổn thương nhưng dù sao vẫn rất gần gũi”.

Thanh Tùng
Theo BBC