1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hé lộ về NSA- cơ quan tình báo điện tử quyền lực nhất Mỹ

(Dân trí) - Cơ quan an ninh quốc gia tối mật của Mỹ gần đây bất đắc dĩ phải thấy tên của mình xuất hiện trên khắp các mặt báo, khi cựu nhà thầu an ninh, người bị coi là “kẻ phản bội nước Mỹ” Edward Snowden không ngừng hé lộ thông tin về hoạt động do thám điện tử rộng khắp của cơ quan này.

Hé lộ về NSA- cơ quan tình báo điện tử quyền lực nhất Mỹ

 

Cả hai nước Pháp và Mexico hôm thứ hai vừa qua đều yêu cầu lời giải thích từ phía Mỹ sau khi Snowden tiết lộ thông tin mới nhất, cáo buộc Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) đã bí mật theo dõi hàng chục triệu liên lạc điện thoại ở Pháp và hack tài khoản thư điện tử của Tổng thống Mexico Felipe Calderon.

 

Đạo diễn phim Hollywood và tiểu thuyết gia đã làm cho Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) nổi tiếng với những điệp viên ngầm, nhưng trong kỷ nguyên số, cơ quan áp dụng công nghệ cao như NSA là cơ quan khó bị thu thập thông tin nhất trong số 16 cơ quan tình báo của Mỹ. Điều mấu chốt để cơ quan này ra quyết định và lên kế hoạch quân sự chính là hoạt động tình báo.

 

NSA dùng các siêu máy tính, các nhà ngôn ngữ học và các nhà toán học chuyên bẻ khóa để giám sát các hoạt động điện tử. Cơ quan này được các chuyên gia đánh giá là tổ chức gián điệp kỹ thuật số quyền lực nhất thế giới, chuyên thu thập các cuộc nói chuyện điện thoại và trao đổi thư điện tử.

 

Được thành lập sau Thế chiến II nhằm tránh bị tấn công bất ngờ kiểu như vụ Trân Châu Cảng, NSA “đã tự phát triển thành cơ quan tình báo lớn nhất, bí mật nhất và có khả năng là thâm nhập sâu nhất kể từ khi được thành lập”. Đây là đánh giá của James Bamford, tác giả các cuốn sách giúp hé mở về hoạt động của NSA.

 

Với dịch vụ bẻ mã là trung tâm, Tổng thống Harry Truman đã thành lập NSA theo một chỉ thị bí mật vào năm 1952, cho phép cơ quan này tự do theo dõi Liên bang Xô Viết và lần theo các liên lạc ra và vào nước Mỹ.

 

Nhân viên của cơ quan bí mật này sẽ khai báo họ làm việc ở Bộ Quốc phòng, vì vậy mà NSA còn có biệt danh là “No Such Agency” (Không có cơ quan nào) hay “Never Say Anything” (Không bao giờ nói gì).

 

Trong khi CIA có thể đột nhập vào một tòa nhà để cài “rệp” (thiết bị nghe lén), NSA phụ trách thông tin “chuyển động”, thu thập dữ liệu được truyền qua cáp viễn thông hoặc qua sóng radio.

 

Quốc hội Mỹ đã ra chỉ dẫn pháp lý bao quát hơn và cũng nghiêm ngặt hơn vào những năm 1970 sau khi một cuộc điều tra của Thượng viện phát hiện một loạt những lạm dụng của chính quyền, như sử dụng NSA để theo dõi người Mỹ tham gia phản chiến và các cuộc biểu tình khác.

 

NSA không chỉ phụ trách toàn bộ “thông tin tình báo tín hiệu”, mà người đứng đầu cơ quan này còn đứng đầu Bộ chỉ huy Mạng của quân đội, chịu trách nhiệm chiến tranh điện tử. Chính vì vậy NSA đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho các mạng máy tính trước các cuộc tấn công mạng.

 

Ngân sách cho NSA luôn là một bí mật, nhưng cơ quan này được cho là cơ quan lớn nhất trong cộng đồng tình báo. Theo cuốn sách “Top Secret America” của hai nhà báo Dana Priest và William Arkin, ngân sách cho cơ quan này đã tăng gấp đôi kể từ vụ tấn công khủng bố 11/9/2001.

 

NSA, với trụ sở rộng lớn ở Fort Meade, Maryland, đông bắc Washington, có lối thoát riêng ra đường cao tốc cho nhân viên. Số nhân viên làm cho NSA cũng là một bí mật, mặc dù một quan chức cấp cao từng đùa rằng lực lượng lao động của cơ quan này vào khoảng 37.000 tới 1 triệu.

 

Kể từ khi Internet ra đời và trước yêu cầu cấp thiết phải thu thập thông tin tình báo về al-Qaeda sau vụ 11/9, NSA đã phát triển nhanh chóng, thuê hàng chục ngàn nhà thầu, giống như Snowden, để quản lý các hoạt động rộng lớn cũng như cần phải có các chuyên gia mật mã, các nhà ngôn ngữ, các kỹ sư điện tử và các nhà kỹ thuật khác.

 

Trong những năm đầu, NSA thừa hưởng chương trình có tên gọi “Shamrock”, trong đó cơ quan này ngăn chặn tới 150.000 thông tin điện tín trong vòng một tháng, với sự giúp đỡ của các công ty của Mỹ.

 

Giờ đây, theo “Top Secret America”, mỗi ngày NSA chặn hơn một tỷ thư điện tử, cuộc gọi điện thoại và các dạng liên lạc khác.

 

Để lưu giữ được một lượng dữ liệu khổng lồ trên, NSA đang xâ dựng một trung tâm lưu trữ lớn ở sa mạc Utah, với trị giá 2 tỷ USD. Nơi đây sẽ là một “bầu trời” máy tính cho NSA.

 

Đây không phải là lần đầu tiên Washington hay cụ thể hơn là NSA bị cáo buộc do thám các đồng minh, các chính phủ thân thiện với Mỹ, nhằm giành thế “thượng phong” về ngoại giao cũng như thương mại. Trong những năm 1920, các nhà bẻ mã ở cơ quan tiền nhiệm của NSA, cục mã hóa hay “phòng đen”, đã do thám các đồng minh và Nhật Bản trong các cuộc đàm phán về một hiệp ước giải giáp vũ khí của hải quân.

 

Vũ Quý

Theo AFP