Mức độ đặc biệt nguy hiểm của biến chủng Covid-19 từ Ấn Độ
(Dân trí) - Biến chủng SARS-CoV-2 B.1.617 được cho đã gây ra làn sóng bùng dịch phi mã ở Ấn Độ gần đây, do có khả năng lây lan mạnh so với các chủng ban đầu.
Theo Euro News, biến chủng B.1.617 lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ cuối năm ngoái, được cho đã góp phần làm bùng lên làn sóng lây nhiễm thứ 2 ở Ấn Độ trong thời gian qua. Trong những ngày dịch lên cao điểm, quốc gia Nam Á đã ghi nhận tới trên 400.000 ca nhiễm mới và hơn 4.000 ca tử vong mỗi ngày. Hệ thống y tế, nhà tang lễ, lò hỏa thiêu quá tải vì số lượng người bệnh và người chết tăng mạnh.
Biến chủng dễ lây lan
Theo một số nghiên cứu sơ bộ, chủng B.1.617 có một số đột biến trong phần gai protein có thể giúp nó bám vào tế bào người dễ hơn. Ngày 10/5, Tổ chức Y tế Thế giới WHO xếp chủng này vào danh sách "biến thể đáng lo ngại toàn cầu" vì nó có khả năng lây lan dễ dàng hơn.
Tổ chức tư vấn khoa học khẩn cấp Anh trong tháng này đã công bố một nghiên cứu, cho rằng biến chủng B.1.617 dễ lây lan hơn biến chủng B.1.1.7, lần đầu tiên được phát hiện ở Anh, khoảng 50%.
Tiến sĩ Eleanor Gaunt từ Đại học Edinburgh nói rằng một số đột biến của B.1.617 ở phần gai của protein là nguyên nhân khiến cho biến chủng nguy hiểm hơn. Ví dụ, đột biến mang tên L452R gây ra sự thay đổi trong protein "có liên quan đến việc tăng cường khả năng liên kết của protein đột biến SARS-CoV-2 với bề mặt tế bào chủ ACE2".
Bà Guant cũng cảnh báo, trong phần gai protein của chủng B.1.617, việc mất đi 2 axit amino có thể ảnh hưởng tới khả năng phản ứng với kháng thể của biến chủng. Ngoài ra, biến chủng có nguồn gốc Ấn Độ có thay đổi đặc biệt khiến mầm bệnh có thể xâm nhập vào tế bào con người dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định rằng, B.1.617 không phải là nguyên nhân duy nhất khiến dịch bệnh bùng phát phi mã ở Ấn Độ. WHO cho biết, trước khi làn sóng thứ 2 bùng nổ, chính phủ Ấn Độ vẫn cho phép tổ chức các lễ hội và các sự kiện chính trị với sự tham gia của hàng nghìn người, bất chấp nguy cơ lây nhiễm. Nhiều người Ấn Độ chủ quan cho rằng cuộc khủng hoảng đã kết thúc, do vậy có thể bỏ khẩu trang và các biện pháp bảo vệ khác, trong khi đó virus vẫn âm thầm lây lan. Tới một mức độ lây lan nhất định, số ca bệnh tăng vọt theo chiều thẳng đứng. Lúc này, mọi phản ứng đều trở nên quá muộn.
Ngoài ra, giới chức và các nhà khoa học Ấn Độ gần đây cũng phát cảnh báo rằng giọt bắn kích thước nhỏ từ người mắc Covid-19 có thể bay xa tới 10 mét do nó khá nhẹ so với giọt bắn thông thường. Chuyên gia Arbind Kumar từ Đại học Patna của Ấn Độ nói với Times of India về nguy cơ cao rằng virus SARS-CoV-2 có thể lây lan qua đường không khí.
Giới chuyên gia khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách đúng quy định, sát khuẩn thường xuyên để giảm thiểu nguy cơ lây lan mầm bệnh.
Vắc xin có thể chặn B.1.617?
Đã có những câu hỏi về việc liệu các loại vắc xin đang được sử dụng trên thế giới hiện nay có hiệu quả trong việc ngăn chặn các biến chủng mới hay không.
Giới chức y tế Anh ngày 22/5 công bố kết quả một nghiên cứu cho biết, việc tiêm đủ hai liều vắc xin Covid-19 có hiệu quả chống biến chủng B.1.617. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho hay, đây thực sự là tin mừng "mang tính đột phá".
Theo nghiên cứu, vắc xin Pfizer-BioNTech có hiệu quả 88% đối với người nhiễm biến thể B.1.617.2, chỉ 2 tuần sau khi tiêm liều thứ hai. Tỷ lệ này đối với chủng B.1.1.7 "Kent" - biến thể Covid-19 hoành hành ở Anh - là 93%. Đối với vắc xin AstraZeneca, các con số này lần lượt là 60% và 66%
Theo Bộ Y tế nước này, nếu tiêm một liều vắc xin thì tỷ lệ hiệu quả đối với biến thể ở Ấn Độ là 33% và 51% đối với biến thể tại Anh, sau 3 tuần. Do đó, Bộ trưởng Hancock nhấn mạnh, người dân cần phải tiêm đủ hai liều vắc xin.
Hiện vẫn chưa có thông tin về việc liệu độc lực của chủng B.1.617 có mạnh hơn chủng ban đầu hay không. Tuy nhiên, các nhà khoa học kêu gọi, các chính quyền cần có biện pháp ngăn chặn không cho chủng này lan rộng, vì chúng càng lan rộng, nguy cơ sinh ra đột biến mới có khả năng thích nghi càng cao. Những đột biến này tiềm tàng nguy cơ có thể kháng vắc xin và các phương pháp trị liệu hiện tại, và có thể khiến dịch bệnh trở nên khó kiểm soát.