1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mối đe dọa Trung Quốc "phủ bóng" chuyến thăm đồng minh của các Bộ trưởng Mỹ

Thành Đạt

(Dân trí) - Mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên được xem là những vấn đề trọng tâm trong chuyến thăm của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới châu Á tuần này.

Mối đe dọa Trung Quốc phủ bóng chuyến thăm đồng minh của các Bộ trưởng Mỹ - 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin (Ảnh: Reuters).

Theo SCMP, mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên sẽ "phủ bóng" chuyến công du nước ngoài đầu tiên của các bộ trưởng cấp cao trong nội các của Tổng thống Joe Biden tuần này. Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn của chính quyền Biden nhằm thúc đẩy tầm ảnh hưởng của Mỹ và xoa dịu những lo ngại về vai trò của Washington ở khu vực châu Á.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ ngày 13/3 cho biết giới chức Mỹ đã tìm cách tiếp cận Triều Tiên thông qua nhiều kênh khác nhau kể từ tháng trước, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Điều này khiến các cuộc tham vấn của Mỹ với các nước láng giềng, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, càng trở nên quan trọng hơn.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin dự kiến sẽ có chuyến thăm tới Nhật Bản và Hàn Quốc trong 4 ngày, bắt đầu từ 15/3, trong bối cảnh chính quyền Biden đang tìm cách thúc đẩy quan hệ đối tác với 2 đồng minh quan trọng trong khu vực. Ngoại trưởng Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Biden, Jake Sullivan, sẽ gặp các quan chức Mỹ tại Anchorage, Alaska vào ngày 18/3.

Chuyến đi của hai quan chức hàng đầu trong chính quyền Mỹ nhằm khôi phục cách tiếp cận mà Tổng thống Biden hy vọng là sẽ yên bình và ổn định đối với Tokyo và Seoul, sau 4 năm thăng trầm dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Trump đã làm "xáo trộn" các quy chuẩn ngoại giao khi gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không chỉ 1 lần, mà tới 3 lần.

Sau khi trấn an những người đồng cấp về các cam kết của Mỹ đối với an ninh của Nhật Bản và Hàn Quốc, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dự kiến sẽ tập trung vào các chủ đề gồm một Trung Quốc ngày càng quyết liệt, thách thức hạt nhân từ Triều Tiên và đại dịch Covid-19.

Trong những tháng đầu tiên nhận nhiệm sở, ông Biden đã phát tín hiệu cho thấy mong muốn được đưa vấn đề quay trở lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào vị trí hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Nhằm duy trì chủ đề ngoại giao "nước Mỹ trở lại" của mình, ông Biden cam kết sẽ đưa vấn đề ổn định tại châu Á - Thái Bình Dương vào vị trí cốt lõi trong các sáng kiến quốc tế của Mỹ.

Ngày 12/3, Tổng thống Biden đã tham gia hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo "Bộ Tứ" gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.

"Một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng mở và tự do rất quan trọng. Mỹ cam kết sẽ hợp tác với các bạn, các đối tác của chúng tôi và tất cả các đồng minh của chúng tôi trong khu vực để đạt được sự ổn định", Tổng thống Biden nhấn mạnh.

Bất chấp những đồn đoán cho rằng chính quyền mới sẽ đảo ngược chính sách cứng rắn công khai với Trung Quốc của ông Trump, ông Biden cho đến nay vẫn chưa hủy bỏ bất kỳ chính sách nào của người tiền nhiệm. Thậm chí, tân Tổng thống còn siết chặt hơn một số chính sách, bao gồm duy trì các lệnh trừng phạt với Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương và Hong Kong, hay tái khẳng định lập trường của chính quyền Trump trong việc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc không phải là điểm đến trong lịch trình của Ngoại trưởng Blinken, nhưng sau khi kết thúc chuyến đi tới Seoul, nhà ngoại giao Mỹ sẽ đáp chuyến bay trở về Washington và đi qua Alaska - nơi ông và cố vấn an ninh quốc gia Sullivan sẽ gặp các quan chức cấp cao của Trung Quốc. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Austin sẽ đi từ Seoul tới New Delhi để gặp các nhà lãnh đạo Ấn Độ.

"Sau 50 ngày làm việc vừa qua, Ngoại trưởng Blinken và tôi sẽ bước vào cuộc gặp với các đại diện cấp cao của Trung Quốc từ vị thế sức mạnh", ông Sullivan tuyên bố hôm 12/3.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm