1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ráo riết thăm các đồng minh, Mỹ tích cực trở lại châu Á

Ngoại trưởng Mỹ Antony Binken và Bộ trưởng Quốc phòng Llyod Austin chuẩn bị có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kéo dài 4 ngày tới hai quốc gia đồng minh Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chuyến đi không chỉ được xem là nhằm củng cố quan hệ đối tác với những đồng minh quan trọng tại khu vực sau 4 năm lạnh nhạt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, mà rộng hơn là hồi sinh chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á- Thái Bình Dương, vốn được khởi động từ thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.
 
Ráo riết thăm các đồng minh, Mỹ tích cực trở lại châu Á - 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AP.

Chuyến thăm diễn ra chỉ hơn 1 tuần sau khi các nhà đàm phán Mỹ và Hàn Quốc đã vượt qua được nhiều năm bế tắc dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump để đi tới một thỏa thuận về chia sẻ chi phí quân sự. Cũng giống như đã làm với các đồng minh châu Âu, cựu Tổng thống Donald Trump từng đe dọa giảm hợp tác an ninh trừ khi các đồng minh tại Đông Bắc Á chấp nhận chi nhiều hơn. Chính lập trường này đã làm dấy lên lo ngại về khả năng rút quân của Mỹ vào một thời điểm không chắc chắn khi Trung Quốc không ngừng tìm cách mở rộng ảnh hưởng và Triều Tiên chưa từ bỏ tham vọng vũ khí hạt nhân.

Việc Mỹ ráo riết thăm các quốc gia đồng minh tại châu Á được xem là sự tiếp nối của Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden với các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Nhật Bản và Australia hay còn gọi là "Nhóm Bộ tứ Kim Cương" hôm 12/3 vừa qua. Sự kiện mở đầu cho chính sách trở lại châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ, mà trước tiên là cam kết cùng với các nước đồng minh phân phối 1 tỷ liều vaccine cho khu vực châu Á vào cuối năm 2022.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nhấn mạnh: "Bốn nhà lãnh đạo đã thảo luận về thách thức mà Trung Quốc đặt ra. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, phần lớn trọng tâm là các cuộc khủng hoảng toàn cầu cấp bách, bao gồm cuộc khủng hoảng khí hậu và Covid-19. Và đối với Covid-19, các nhà lãnh đạo đã đưa ra cam kết chung về việc phân phối 1 tỷ liều vaccine cho các quốc gia ASEAN, Thái Bình Dương và hơn thế nữa vào cuối năm 2022".

Ông Sung Kim, một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về châu Á cho biết, ngoại giao đang trở lại vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ và nước này đang nỗ lực tăng cường quan hệ với các đồng minh. Tuy nhiên đối với những ý kiến cho rằng ông Biden sẽ đảo ngược thái độ cứng rắn của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc, thì tới nay, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn chưa phản bác bất kỳ chính sách nào của người tiền nhiệm. 

Dù đã có nhiều thay đổi về mặt bối cảnh, song chuyến đi của Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Llyod Austin tới Hàn Quốc và Nhật Bản gợi nhớ tới chuyến thăm của nhà ngoại giao hàng đầu trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, cựu Ngoại trưởng Hilary Clinton tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và sau đó là Trung Quốc hồi năm 2009.

Dù Trung Quốc không có trong lịch trình chuyến thăm, song dự kiến ngày 18/3, tại Anchorage, Alaska, nơi được mô tả là điểm dừng chân trên chuyến bay trở về Mỹ, Ngoại trưởng Blinken sẽ gặp gỡ Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với những người đồng cấp giữa hai bên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền. Chính quyền tại Mỹ hiện nay tự tin rằng những nỗ lực trong nước nhằm hồi sinh nền kinh tế và đẩy mạnh cuộc chiến chống Covid-19 đã đưa nước Mỹ trở lại ở một vị thế tốt hơn, vừa có thể đối phó với Trung Quốc, vừa thúc đẩy các mối quan hệ đối tác./.
Thoe Thu Hoài
VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm