Mối đe dọa lớn nhất cản trở Mỹ thổi bay đại dịch Covid-19
(Dân trí) - Sự xuất hiện của các biến chủng mới khiến nỗ lực dập dịch Covid-19 của Mỹ thông qua chương trình tiêm chủng nhanh chóng đối mặt nhiều trở ngại.
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 22/6, chuyên gia dịch tễ hàng đầu Anthony Fauci, thành viên ban chỉ đạo ứng phó Covid-19 của Mỹ, cho rằng biến chủng Delta với khả năng lây nhiễm cao hiện là "mối đe dọa lớn nhất" đến nỗ lực thoát đại dịch của nước này.
"Tương tự như tình hình ở Anh, biến chủng Delta hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với nỗ lực dập dịch Covid-19 của Mỹ", ông Fauci nói. Theo ông, biến chủng Delta có thể kéo theo một làn sóng bùng phát mới giống như trước kia biến chủng Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh) khiến số ca nhiễm mới ở Mỹ cứ hai tuần lại tăng gấp đôi.
Bình luận của ông Fauci đưa ra sau khi Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky hối thúc người dân tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trước khi Delta trở thành biến chủng trội ở Mỹ. Theo bà, Delta có thể trở thành biến chủng áp đảo ở Mỹ trong khoảng 2 đến 3 tháng tới. Đây là biến chủng có khả năng lây lan cao hơn so với các chủng khác của virus SARS-CoV-2 và có thể gây bệnh nặng hơn cho những người chưa tiêm chủng.
Delta gần đây đã trở thành biến chủng trội ở Anh, vượt qua biến chủng Alpha vốn khiến hệ thống y tế của nước này chao đảo. Hiện hơn 60% số ca Covid-19 mới ở Anh nhiễm biến chủng Delta.
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, Delta có thể trở thành biến chủng trội toàn cầu. Theo số liệu của WHO, biến chủng Delta đã lan ra hơn 90 quốc gia và tiếp tục đột biến, trong đó có đột biến đang gây nhiều lo ngại như Delta Plus.
Giới chức y tế dẫn các nghiên cứu ban đầu cho thấy, biến chủng Delta ngoài khả năng lây lan nhanh hơn cũng gây các triệu chứng nghiêm trọng hơn mặc dù vẫn cần nghiên cứu thêm. Thậm chí, một số dấu hiệu cho thấy Delta có thể gây ra các triệu chứng chưa từng ghi nhận với các biến chủng còn lại.
Chuyên gia Fauci nói, Mỹ có "công cụ" để đẩy lùi Covid-19 và kêu gọi người dân tiêm chủng đầy đủ để ngăn chặn làn sóng bùng phát mới. Ông Fauci dẫn kết quả nghiên cứu cho biết: "Hiệu quả sau khi tiêu mũi vắc xin Pfizer-BioNTech thứ hai là 88% đối với biến chủng Delta và 93% đối với biến chủng Alpha".
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt mục tiêu tiêm chủng ít nhất một mũi vắc xin cho khoảng 70% người trưởng thành trước ngày 4/7 với hy vọng dần đưa nước Mỹ trở lại cuộc sống bình thường trước đại dịch. Tuy nhiên, cố vấn cấp cao về Covid-19 của Nhà Trắng Jeffrey Zient thừa nhận rằng, mục tiêu này có thể lùi lại 4 đến 7 tuần nữa. Tính đến ngày 20/6, hơn 150 triệu người Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ, khoảng 65% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều.