Nguy cơ hình thành "hai nước Mỹ" trong đại dịch Covid-19
(Dân trí) - Các chuyên gia cảnh báo về kịch bản hình thành "hai nước Mỹ" giữa nhóm người đã tiêm và những người không muốn tiêm vắc xin Covid-19, trong bối cảnh biến thể nguy hiểm Delta đang lây lan mạnh.
Theo Guardian, mục tiêu tiêm chủng 70% dân số Mỹ trước ngày 4/7 của Tổng thống Joe Biden nhiều khả năng không đạt được khi các chuyên gia cảnh báo rằng các biện pháp khuyến khích tiêm vắc xin của các địa phương mất dần sức hút, trong khi biến thể Delta nguy hiểm đang trên đà trở thành chủng SARS-CoV-2 chiếm ưu thế tại Mỹ.
Ngoài ra, các chuyên gia cảnh báo rằng viễn cảnh "hai nước Mỹ" đang có khả năng xảy ra khi có nhiều người không muốn tiêm chủng bất chấp các biện pháp khuyến khích. Guardian cho rằng, xu hướng này phản ánh sự chia rẽ trong quan điểm giữa các "bang xanh" và "bang đỏ".
Ví dụ, khảo sát do CBS News/YouGov thực hiện cho thấy, 52% người theo đảng Cộng hòa được hỏi nói rằng họ đã tiêm một liều hoặc tiêm đầy đủ vắc xin và 29% tuyên bố sẽ không có ý định tiêm chủng. Trong khi đó, 77% người theo đảng Dân chủ cho biết họ đã được tiêm vắc xin và chỉ 5% từ chối chế phẩm này.
"Tôi gọi đó là 2 quốc gia Covid-19", nhà nghiên cứu vắc xin Peter Hotez tại Đại học Y Baylor ở Houston, Texas, cho hay.
Trong những ngày qua, Mỹ đã nỗ lực tung ra hàng loạt sáng kiến để kêu gọi người dân đi tiêm chủng, như phát bánh mì kẹp cho tới bia miễn phí, học bổng đại học, bốc thăm trúng giải thưởng giá trị, thậm chí cả xổ số vắc xin hàng triệu USD. Tuy nhiên, các biện pháp này tới nay được xem đang mất dần sức hút, hoặc chưa tác động một cách hiệu quả tới số đông.
"Điều đó chưa thực sự hiệu quả dù phần thưởng là bánh rán, xe hơi hay là cả triệu USD. Nhiều người không quan tâm tới nó", chuyên gia Irwin Redlener tại Đại học Columbia nhận định.
Tại Ohio, chương trình xổ số vắc xin với giải thưởng một triệu USD/tuần thu hút tỷ lệ người tiêm vắc xin tăng 40% trong tuần đầu. Tuy nhiên, một tháng sau đó, tỷ lệ này đã tụt xuống mức thấp hơn cả trước khi sáng kiến được áp dụng.
Các biện pháp tương tự ở Oregon hay North Carolina cũng cho kết quả không mấy khả thi, bằng chứng cho thấy sáng kiến xổ số này chưa đủ sức nặng để thúc đẩy tốc độ tiêm chủng.
Nỗi lo biến chủng nguy hiểm bùng phát
Các quan chức chính phủ và địa phương tại Mỹ đã phát đi hàng loạt cảnh báo rằng, khoảng cách giữa việc tăng cường tiêm chủng và mối đe dọa từ chủng Delta nguy hiểm đang ngày càng thu hẹp. Delta là một trong những nguyên nhân gây bùng dịch nghiêm trọng ở Ấn Độ hồi tháng 4 với khả năng lây lan mạnh hơn các chủng ban đầu.
"Chắc chắn mọi thứ sẽ không thể được cải thiện nếu chúng ta không tăng tốc độ tiêm chủng", quan chức Scott Allen thuộc cơ quan y tế hạt Webster, bang Missouri, nhận định. Bang này đã chứng kiến số ca bệnh mới và số người nhập viện chữa trị Covid-19 tăng gần gấp đôi trong 2 tuần qua.
Mỹ hiện có trung bình 15.000 ca Covid-19 mới mỗi ngày, khi nỗ lực tiêm chủng bước đầu đã cho kết quả tích cực. Tuy nhiên, số người đi tiêm mũi đầu tiên giảm mạnh từ 2 triệu hồi giữa tháng 4 xuống 360.000 vào thời điểm này.
Bette Korber, một nhà sinh vật học ở phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos ở New Mexico, cảnh báo rằng chủng Delta có thể lây lan khắp nước Mỹ trong vài tuần nữa.
Hồi cuối tuần trước, Tổng thống Biden khẩn thiết kêu gọi người Mỹ đi tiêm chủng càng sớm càng tốt.
"Ngay cả khi chúng ta đang đạt được bước tiến đáng kể trong nỗ lực chống dịch, Covid-19 vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng và chết người", ông Biden nói, nhấn mạnh rằng biến thể Delta khiến những người chưa được tiêm chủng "thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn so với một tháng trước".