1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Mở khóa" Vũ Hán, Trung Quốc chưa hết âu lo

(Dân trí) - Dù Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với Vũ Hán sau 2 tháng nhưng giới chuyên gia cảnh báo rằng mối nguy hiểm từ đại dịch Covid-19 vẫn đang rình rập.

Mở khóa Vũ Hán, Trung Quốc chưa hết âu lo - 1

Các phương tiện nối đuôi nhau rời Vũ Hán vào sáng sớm ngày 8/4 sau 2 tháng bị phong tỏa (Ảnh: Chinadaily)

"Hồi sinh" từ từ

Khi Trung Quốc thận trọng "mở khóa" lệnh phong tỏa để người dân đi làm và các cửa hàng mở trở lại hồi tháng trước, cô Yuan Shaomin đã thở phào nhẹ nhõm.

Ba cửa hàng làm đẹp của cô đã bị đóng cửa suốt 2 tháng trong khi cô vẫn tiếp tục trả lương cho 20 nhân viên, cộng với bảo hiểm xã hội. Rất may, chủ của hai cửa hàng đã giảm cho cô 1 tháng tiền thuê nhà với tổng số tiền lên tới 45.000 Nhân dân tệ (9.200 USD).

“Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà tôi từng đối mặt trong suốt 16 năm kinh doanh”, Yuan, 42 tuổi, từ Bắc Kinh, cho biết.

Yuan ước tính cô thiệt hại khoảng 1,5 triệu Nhân dân tệ (212.000 USD). Và thậm chí sau khi các cửa hàng của cô mở cửa trở lại vào ngày 21/3, chỉ có một nửa số nhân viên đi làm và cô chỉ có từ 1-2 khách mỗi ngày, thậm chí có ngày không có khách nào.

“Tôi có thể duy trì công việc kinh doanh cho tới cuối tháng 5. Tôi chỉ hi vọng nền kinh tế sẽ sớm sáng sủa trở lại”, Yuan nói, cho biết thêm rằng giờ đây cô cũng đang mở các lớp học làm đẹp trực tuyến. “Mọi thứ đều có điểm bắt đầu, hành trình và kết thúc. Đại dịch này rồi sẽ qua thôi”, cô nói trong hi vọng.

Trong khi phần lớn thế giới đang vật lộn với số ca mắc ngày càng tăng, tình trạng thiếu các bộ xét nghiệm và giường tại các bệnh viện và nhiều siêu đô thị bị phong tỏa, Trung Quốc dường như đã nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.

Các khẩu trang giờ đây đã xuất hiện trên các kệ ở cửa hàng và trên các trang mua bán trực tuyến như Taobao hay Jingdong, dù trước đó chúng trở nên cực kỳ khan hiếm vào thời kỳ đỉnh dịch hồi cuối tháng 1 và đầu tháng 2.

Tổng cộng 16 bệnh viện tạm được dựng lên chỉ trong một đêm ở Vũ Hán đều đã đóng cửa và hàng nghìn nhân viên y tế và các bác sĩ quân y được triển khai tới tâm dịch đã trở về nhà.

Hôm nay, Vũ Hán đã chính thức dỡ bỏ lệnh phong tỏa, cho phép người dân đi lại sau khi bị “giam chân” kể từ ngày 23/1. Sân bay quốc tế tại Vũ Hán, đóng cửa trong hơn 2 tháng, cũng đã tái mở cửa.

Mở khóa Vũ Hán, Trung Quốc chưa hết âu lo - 2

Người dân tại ga tàu điện ngầm ở Vũ Hán ngày 8/4 (Ảnh: Chinadaily)

Nguy hiểm vẫn rình rập

Nhưng dù các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ, Trung Quốc giờ đây vẫn có nguy cơ gặp phải làn sóng lây nhiễm thứ 2.

Lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc ngày 7/4 thông báo không có thêm trường hợp tử vong nào tại Vũ Hán, dù số ca mắc Covid-19 ngoại nhập tiếp tục tăng. Một số người cũng lây nhiễm virus cho những người khác. Tính tới ngày 7/4, số ca nhập ngoại là 983, trong khi tổng số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc cho tới nay là 81.7490, trong đó phần lớn đã khỏi bệnh.

Giới chức y tế trước đó cho biết 90% các ca ngoại nhập là các sinh viên và người lao động Trung Quốc ở nước ngoài trở về nhà để tránh dịch bệnh đang bùng phát ở những nơi khác trên thế giới.

Để ngăn chặn sự lây lan của Trung Quốc, Trung Quốc từ ngày 28/3 đã cấm nhập cảnh với người nước ngoài - bao gồm cả những người có giấy phép cư trú. Nước này cũng hủy một loạt chuyến bay quốc tế, giới hạn mỗi hãng hàng không chỉ được vận hành một đường bay mỗi tuần.

Dù vậy, vẫn có hàng trăm nghìn công dân Trung Quốc muốn trở về nhà. Hồi đầu này, giới chức Trung Quốc, sau khi ban đầu khuyên công dân ở nước ngoài không nên trở về do lo ngại không thể đối phó với một làn sóng lây nhiễm mới, đã thay đổi với việc thông báo rằng sẽ thuê các chuyến bay bao nguyên chuyến để đưa các sinh viên Trung Quốc tại Mỹ về nước. Theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, 90% trong tổng số khoảng 400.000 sinh viên Trung Quốc tại Mỹ vẫn đang ở lại nước này.

Ngoài đối mặt với số ca nhiễm nhập ngoại tăng, Trung Quốc cũng phải đối mặt với tình trạng gia tăng các ca mắc bệnh không phát triệu chứng.

Hồi tuần trước, một huyện ở miền trung Trung Quốc đã phải áp lệnh tái phong tỏa sau khi một phụ nữ lây nhiễm virus là một người bác là bác sĩ, người không phát triệu chứng bệnh.

Huyện Jia (tỉnh Hà Nam), với 640.000 dân, đã xét nghiệm cho các nhân viên y tế và phát hiện ra 3 bác sĩ nhiễm virus mà không có biểu hiện bị ốm.

Dưới sức ép của công chúng, giới chức y tế Trung Quốc đã phải công bố số ca mắc Covid-19 không có triệu chứng trong một báo cáo hàng ngày hồi tuần trước. Có trung bình khoảng 66 ca nhiễm không triệu chứng được thông báo mỗi ngày kể từ khi Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc bắt đầu công bố các con số từ ngày 1/4, và hơn 1.000 ca mắc không phát triệu chứng hiện đang được theo dõi.

Nhưng các ca trên không được tính vào số liệu thống kê chính thức trừ khi phát triệu chứng và khi đó mới được tính lại là các trường hợp xác nhận nhiễm. Vấn đề là không rõ có bao nhiêu bệnh nhân không có triệu chứng là các bệnh nhân tiền triệu chứng, có nghĩa là họ sẽ có triệu chứng sau khi được xét nghiệm. Và do các trường hợp không có triệu chứng và tiền triệu chứng đều có thể làm lây nhiễm Covid-19 thì giới chuyên gia đã đặt câu hỏi rằng vì sao họ lại được tính riêng.

Việc công khai những con số trên cũng không làm giảm mối lo ngại của người Trung Quốc rằng các bệnh nhân không phát triệu chứng sẽ lây truyền virus, nhất là khi các lệnh hạn chế đi lại khắp Trung Quốc được nới lỏng.

“Họ nói rằng những người không có triệu chứng này ít lây lan hơn, nhưng họ vẫn có khả năng truyền bệnh cho những người khác. Và tôi nghĩ điều đó đáng sợ hơn vì bạn không biết nếu họ ngồi cạnh bạn trên tàu điện ngầm, hay là các đồng nghiệp tại nơi làm việc hoặc thập chí bạn bè”, Zhang Xuan, một nhân viên kế toán tại Bắc Kinh nói. “Điều này không biết là đáng lo ngại nhất”.

Mở khóa Vũ Hán, Trung Quốc chưa hết âu lo - 3

Các chuyên gia vẫn lo ngại về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng (Ảnh: Chinadaily)

Một vấn đề nan giải và đầy thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt lúc này là: Làm thế nào để khéo léo cân bằng giữa tái khởi động nền kinh tế bị đình trệ trong khi vẫn giám sát các ca lây nhiễm vẫn đang tăng lên từng ngày.

Hồi tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay có thể rơi xuống mức 2,3%, thậm chí viễn cảnh xấu nhất là 0,1%, so với mức tăng trưởng 6,1%. Ngay trước khi xảy ra đại dịch, WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm nay khoảng 5,9%.

Nhưng 2 tháng đóng băng đã khiến sản lượng tại các nhà máy, ngành bán lẻ và xây dựng sụt giảm tới mức 2 con số, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao kỷ lục 6,2% hồi tháng 2.

Nhà kinh tế Tommy Xie từ ngân hàng OCBC cho rằng tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố: khi nào sự phong tỏa toàn cầu được dỡ bỏ và liệu Trung Quốc có đối mặt với một làn sóng lây nhiễm khác hay không.

Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, và điều này có thể cần sự can thiệp của chính phủ.

Nhưng nguy cơ trước mắt mà Trung Quốc đang phải đối mặt là khả năng gia tăng trở lại các ca lây nhiễm.

An Bình

Theo ST