Máy bay trinh sát NATO tăng cường xuất hiện ở Biển Đen
(Dân trí) - Tần suất xuất hiện của máy bay trinh sát Mỹ và Anh tại khu vực Biển Đen gần đây làm dấy lên đồn đoán phương Tây đã hoặc sắp bàn giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.
Trang tin Pravda đầu tuần này cho biết, các máy bay trinh sát chiến lược RC-135 liên tục hoạt động tại vùng Biển Đen trong những tháng gần đây.
Hôm 28/6, một chiếc Boeing RC-135W Rivet Joint của Không quân Mỹ đã được phát hiện tại khu vực này, tiếp đó là sự xuất hiện của máy bay trinh sát Anh ngày 1/7.
Boeing RC-135W Rivet Joint là máy bay trinh sát vô tuyến điện tử chiến lược, được thiết kế để đánh chặn và phân tích nhiều nguồn bức xạ khác nhau.
Với trọng lượng cất cánh tối đa hơn 130 tấn, máy bay này có thể chở theo phi hành đoàn gồm 25 người, bao gồm 2 phi công, 1 hoa tiêu, 22 sĩ quan và nhân viên vận hành hệ thống vũ khí. Các sĩ quan, bao gồm cả chuyên gia ngôn ngữ, sẽ thực hiện các nhiệm vụ cấp cao, điều phối hoạt động giữa các nhân viên vận hành có khả năng thực hiện các yêu cầu được chuyên môn hóa cao.
Máy bay được trang bị nhiều hệ thống khác nhau, bao gồm radar trinh sát tự động AEELS, liên lạc trinh sát vô tuyến đa kênh MUCELS và trinh sát khí tượng AN/AMQ-15. Các hệ thống này cho phép RC-135W chặn và phân tích tín hiệu trên nhiều bước sóng trên đất liền, trên biển và trên không.
Một trong những tính năng chính của RC-135W là khả năng tương tác với hệ thống cảnh báo sớm trên không (AWACS) của Boeing E-3 Sentry. Tính năng này hỗ trợ trao đổi dữ liệu tình huống trên không giữa các đơn vị chiến đấu và tình báo khác nhau, giúp tăng cường đáng kể khả năng hoạt động và phối hợp.
Một trong những nguyên nhân khiến máy bay RC-135 của NATO tăng cường trinh sát ở Biển Đen là cuộc xung đột hiện tại giữa Ukraine và Nga, đòi hỏi Kiev phải liên tục giám sát hoạt động quân sự trong khu vực.
Thứ hai, Ukraine có thể sắp hoặc đã tiếp nhận máy bay chiến đấu F-16 do phương Tây viện trợ. Máy bay trinh sát giúp làm giảm đáng kể rủi ro cho Không quân Ukraine bằng cách cập nhật thông tin cập nhật về hệ thống phòng không của Nga.
Bloomberg đưa tin, cuối tháng 7, Ukraine đã tiếp nhận lô F-16 đầu tiên từ phương Tây. Theo một số nguồn tin, đây dường như là 6 chiếc F-16 do Hà Lan viện trợ.
Dữ liệu thu thập bởi RC-135W có thể được sử dụng để chuẩn bị cho các hoạt động tác chiến trong tương lai hoặc huấn luyện phi hành đoàn với điều kiện sát thực tế chiến đấu nhất. Nó cho phép Mỹ và Anh nâng cao năng lực và tăng tính gắn kết với lực lượng Ukraine, đem lại lợi thế chiến lược.
Để đáp trả, Nga có khả năng triển khai một số biện pháp tăng cường khả năng phòng thủ và tình báo.
Một trong những kịch bản phản ứng của Điện Kremlin bao gồm việc tăng cường hệ thống phòng không và tác chiến điện tử trên bán đảo Crimea và bờ Biển Đen. Phương án này không chỉ bảo vệ hạ tầng cơ sở quan trọng của họ khỏi các đợt tấn công có nguy cơ xảy ra mà còn gây khó khăn cho hoạt động của các máy bay trinh sát nước ngoài.
Bên cạnh đó, Nga cũng có thể gia tăng tần suất chuyến bay trinh sát, đồng thời cải thiện khả năng phối hợp nhuần nhuyễn giữa các đơn vị khác nhau.