1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mạng lưới điện lớn nhất thế giới của Trung Quốc gây lo ngại

Đức Hoàng

(Dân trí) - Lưới điện siêu cao áp lớn nhất thế giới của Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng tới bầu khí quyển, theo nghiên cứu mới được các nhà khoa học nước này công bố.

Mạng lưới điện lớn nhất thế giới của Trung Quốc gây lo ngại - 1

Tổng chiều dài của các đường điện cao thế đang vận hành hoặc sắp hoàn thành ở Trung Quốc đã dài hơn đường xích đạo (Ảnh: AFP).

SCMP dẫn nghiên cứu của học giả Wu Jing từ Đại học Beihang và các cộng tác viên của bà từ Viện Nghiên cứu Điện lực Trung Quốc và Đại học Bắc Kinh cho biết, lưới điện siêu cao áp của nước này dường như đang gây tác động tới từ trường của Trái Đất trải dài từ phía tây nam của Trung Quốc đến Ấn Độ Dương.

Cụ thể, các "hạt chìm" - tạo ra từ sự cộng hưởng giữa lưới điện lớn nhất thế giới và tầng điện ly - đã dẫn đến các hạt mang điện rơi khỏi không gian, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng phần lớn năng lượng đã bị bầu khí quyển hấp thụ và không có khả năng gây hại cho sức khỏe con người.

Tuy nhiên, sự gia tăng hạt electron có thể ảnh hưởng đến thông tin liên lạc, hệ thống định vị toàn cầu GPS, các thiết bị giám sát điện từ nhạy cảm và có thể góp phần gây ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như giông bão, theo các nhà khoa học.

"Với sự phát triển của các đường dây điện siêu cao thế ở nước ta, vấn đề này cần được chú ý chặt chẽ", các nhà khoa học viết trong một bài báo đăng trên Kỷ yếu của Hiệp hội Kỹ thuật Điện Trung Quốc hồi đầu tuần.

Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có đường điện cho dòng điện từ 800 kilovolt trở lên. Công nghệ siêu cao áp kết nối các trạm thủy điện, tấm pin mặt trời và trang trại gió ở các vùng phía tây nước này với các tỉnh ven biển đông dân cư, thiếu điện, cách đó hơn 3.000 km.

Trong khi đó, các đường điện mạnh nhất của Mỹ xử lý dòng điện không quá 500 kilovolt, giới hạn phạm vi truyền dẫn của chúng chỉ vài trăm km với khả năng chịu tải chỉ bằng 1/6 của Trung Quốc.

Dự án siêu cao áp đầu tiên của Trung Quốc là đường dây dài 650 km giữa tỉnh Sơn Tây và Hồ Bắc, được xây dựng vào năm 2009. Kể từ đó, tổng chiều dài của các đường dây này dù đang vận hành hoặc sắp hoàn thành đã tăng lên 48.000 km - dài hơn đường xích đạo - theo dữ liệu chính thức mới nhất.

Một số đường dây mới có thể tạo ra dòng điện một chiều mạnh tới 1.100 kilovolt và đã tăng tải năng lượng lên 50% so với dòng 800 kilovolt trước đó.

Các nhà khoa học Trung Quốc đã thực hiện một số lượng lớn các nghiên cứu về khả năng phơi nhiễm phóng xạ trước khi đường dây điện siêu cao áp được xây dựng, và chúng cho thấy rằng trong hầu hết các trường hợp, mức độ phơi nhiễm sẽ thấp hơn nhiều so với ngưỡng an toàn.

Tuy nhiên, các lo ngại về an toàn vẫn tồn tại, khi một số cư dân gần đó phàn nàn về việc thỉnh thoảng bị giật khi họ chạm vào các vật bằng kim loại, chẳng hạn như giá phơi quần áo. Một số biện pháp đã được áp dụng để giải quyết vấn đề trong những năm gần đây bao gồm xây hàng rào trên mái nhà hoặc trồng cây để giảm tác động từ dòng điện trong các khu vực lân cận bị ảnh hưởng.

Tác động tới con người

Theo bà Wu, hầu hết các nghiên cứu hiện có đều tập trung vào các tác động của đường điện đến sức khỏe con người mà bỏ qua những gì đang xảy ra trên bầu trời.

Nhóm nghiên cứu của bà đã phát hiện ra rằng ngay sau khi đường dây điện siêu cao đầu tiên bắt đầu hoạt động vào năm 2009, mật độ điện tử tăng bất thường bắt đầu xuất hiện trong các nghiên cứu liên quan tới vệ tinh ở Trung Quốc, cho thấy khí quyển bị tác động.

Sau nhiều năm nghiên cứu, họ phát hiện ra một số sóng dài do lưới điện của Trung Quốc tạo ra có thể lan truyền dọc theo từ trường của Trái đất và tạo ra các "hạt chìm" trên Ấn Độ Dương.

Các nhà nghiên cứu nói rằng việc điều tra tác động của lưới điện không dễ dàng. Mặc dù truyền tải nhiều điện hơn cả Mỹ, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ cộng lại, nhưng lưới điện Trung Quốc chỉ rò rỉ một lượng nhỏ năng lượng ra môi trường dưới dạng sóng điện từ tần số thấp.

Họ nói rằng, những tác động của lưới điện có thể dễ bị nhầm lẫn với ảnh hưởng của một cơn bão mặt trời hoặc các hiện tượng tự nhiên khác. Nghiên cứu đã xem xét các nguyên nhân có thể dẫn tới các sóng dài như hoạt động của mặt trời và các đài phát tần số thấp, nhưng loại trừ chúng vì hiện tượng này xảy ra thường xuyên, ngay cả khi không có mặt trời và ở những vùng không có máy phát sóng quy mô lớn.

Theo bà Wu, các tác động từ lưới điện Trung Quốc đã ảnh hưởng tới một số hoạt động của con người và cảnh báo vấn đề có thể nghiêm trọng hơn với sự phát triển của nhanh chóng của hệ thống sản xuất điện tái tạo - vốn sẽ yêu cầu việc truyền tải điện ở khoảng cách xa hơn.

Theo www.scmp.com