Thách thức của Trung Quốc khi vận hành hạm đội lớn nhất thế giới
(Dân trí) - Dù sở hữu hạm đội hiện đã vượt Mỹ về số lượng tàu chiến, nhưng chuyên gia đánh giá rằng Trung Quốc có thể đối mặt với hàng loạt thách thức khi vận hành những chiến hạm này.
Theo Business Insider, trong khoảng 100 năm qua, thế giới đã chứng kiến ít nhất 4 cuộc mở rộng quy mô hải quân lớn, chuyển từ những lực lượng không đáng kể trở thành những nền tảng lớn.
Vài năm trước Thế chiến I, cả Mỹ và hải quân Đế quốc Đức đều mở rộng quy mô từ những lực lượng khiêm tốn trở thành hạm đội thách thức thế giới. Vào cuối Thế chiến II, hải quân Liên Xô cũng phát triển nhanh chóng.
Trong 20 năm qua, thế giới chứng kiến sự phát triển của hạm đội Trung Quốc. Vào năm 2000, họ sở hữu một lực lượng khiêm tốn, chủ yếu tập trung vào phòng vệ ven bờ. Khi đó, họ có một số đơn vị chủ lực sở hữu tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh, tàu khu trục nhưng hiếm khi triển khai những khí tài này ở xa khu vực ven biển của họ.
Hầu hết hạm đội Trung Quốc khi đó đều lạc hậu với chuẩn thế giới, ngay cả những chiến hạm mới cũng thua kém về công nghệ so với các cường quốc hải quân khác.
Mọi thứ đã thay đổi. Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc, hải quân Trung Quốc đang sở hữu 355 chiến hạm, bao gồm 145 tàu chiến mặt nước chủ lực. Họ hiện sở hữu hạm đội nhiều chiến hạm nhất thế giới, dù vẫn thua kém Mỹ về tổng lượng giãn nước của các tàu.
Ngoài quy mô, tốc độ mở rộng của Trung Quốc cũng khá nhanh, khi chỉ có một số ít chiến hạm đang trong biên chế của họ được đóng trước năm 2000. Có 36/40 tàu khu trục và 38/43 tàu hộ vệ đã gia nhập hạm đội Trung Quốc vào thế kỷ này.
Hai tàu sân bay sử dụng công nghệ cũ Liêu Ninh và Sơn Đông đều được hoàn thiện trong 10 năm qua và Trung Quốc chuẩn bị trình làng thêm các tàu sân bay nội địa khác.
Ngược lại, đội tàu của Mỹ lại khá "lớn tuổi" nếu so với Trung Quốc. Có 27/70 tàu khu trục Mỹ vào biên chế từ thế kỷ trước. Trong khi đó, 8/11 tàu sân bay, 21 tàu tuần dương, 28/50 tàu ngầm tấn công hạt nhân và 14 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đều là sản phẩm chế tạo từ thế kỷ 20.
Những thách thức
Tuy nhiên, phép so sánh như vậy không mang nhiều ý nghĩa. Ví dụ, tàu sân bay USS Nimitz 46 tuổi của Mỹ vẫn được đánh giá là có năng lực vượt trội nếu so với tàu sân bay nội địa Type 03 của Trung Quốc dự kiến sẽ vào biên chế vào thời gian tới. Do hạm đội Mỹ được nâng cấp thường xuyên để cập nhật tính năng kỹ thuật hiện đại, nên nếu nói rằng hạm đội Trung Quốc mới hơn của Mỹ là đúng, nhưng tốt hơn là cách diễn đạt không chính xác.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc xây dựng một hạm đội quy mô lớn không phải lúc nào cũng là thành công. Giới quan sát cảnh báo, việc hiện đại hóa quy mô lớn hạm đội sẽ kéo theo chi phí vận hành rất đắt đỏ. Việc duy trì một đội tàu khổng lồ và luôn phải đảm bảo trang bị tốt cũng như các thủy thủ được huấn luyện bài bản có thể tạo nên một gánh nặng khổng lồ và tốn kém.
Rất ít quốc gia có thể duy trì các đội tàu khổng lồ trong một thời gian dài, một phần không nhỏ bởi vì các con tàu được xem là khoản đầu tư đòi hỏi ngân sách bảo trì lớn và những thay đổi công nghệ có thể nhanh chóng khiến chúng lỗi thời.
Ngoài ra, việc mở rộng hạm đội của Trung Quốc sẽ thu hút sự chú ý của các bên khác. Hải quân Mỹ trên thực tế vẫn chưa định hướng lại theo hướng cạnh tranh với Trung Quốc. Nhiều ưu tiên của Mỹ hiện tại vẫn đang là di sản từ thời Chiến tranh Lạnh và cuộc chiến chống khủng bố.
Tuy nhiên, hải quân Hàn Quốc và lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản đều sánh ngang với Trung Quốc về sự hiện đại, nếu không nói là vượt qua Bắc Kinh về khía cạnh năng lực công nghệ. Ngoài ra, việc Australia tham gia thỏa thuận an ninh đa phương AUKUS với Mỹ và Anh được xem là động thái của Canberra nhằm định hướng lại chiến lược quân sự của nước này. Theo thỏa thuận, Anh và Mỹ sẽ giúp Australia đóng tàu ngầm năng lượng hạt nhân.
Việc Trung Quốc mở rộng hạm đội cũng có thể khiến nhiều nước trong khu vực có các động thái nhằm đối phó với Bắc Kinh và đây cũng là một thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt.