1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lý do Mỹ quan ngại "World Bank Trung Quốc"

Tiếp sau Vương quốc Anh, các nước Pháp, Đức và Italy cũng đã tuyên bố sẽ tham gia Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn dắt và được ví như "World Bank Trung Quốc".

Lý do Mỹ quan ngại World Bank Trung Quốc
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble ngày 17/3 cho biết Berlin quyết định tham gia AIIB (Ảnh: THX-TTXVN)
 
Dự kiến, Australia và Hàn Quốc cũng sẽ sớm tuyên bố về ý định tương tự. Sự "phá rào" của các đồng minh và bạn bè của Mỹ cho thấy sức hấp dẫn của ngân hàng này.

Washington đã khuyên các đồng minh của họ nên thận trọng trước việc tham gia AIIB, song lời khuyên này đã bị bỏ ngoài tai. "Cơn sốt" của bạn bè và đồng minh của Mỹ nhằm trở thành những thành viên sáng lập của định chế tài chính này đã được tờ "Thời báo Tài chính" miêu tả là một "thất bại" của Mỹ và tờ "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" gọi là "một sự sỉ nhục" đối với Mỹ.

Thoạt nhìn, sự phản đối của Mỹ đối với AIIB có vẻ như xuất phát từ một ham muốn ích kỷ để bảo vệ Ngân hàng Thế giới (WB) có trụ sở ở Washington và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ở Manila, Philippines. Tuy nhiên, những quan ngại của Mỹ không phải là không có cơ sở.

Trung Quốc muốn đóng góp tới 49% số vốn của AIIB để có thể giành quyền phủ quyết. Việc nắm giữ cổ phần lớn như vậy sẽ là bất thường đối với một định chế đa phương nếu biết rằng phần vốn của Mỹ tại WB chỉ là 16,1% và tại ADB chỉ là 15,6%. Câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc lại muốn đóng góp tới gần một nửa số quyền biểu quyết của AIIB?

Có rất nhiều lý do có thể đưa ra, nhưng trong số này có hai lý do gây quan ngại đặc biệt. Thứ nhất là việc Bắc Kinh đang mưu toan giành quyền kiểm soát các quỹ tập thể để thực hiện các khoản cho vay mà về bản chất không mang tính chất thương mại.

Ngoài ra còn có nghi ngại rằng AIIB sẽ hậu thuẫn cho các dự án do công nhân Trung Quốc xây dựng, và các hệ thống hạ tầng mới sẽ được sử dụng để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc mà nền kinh tế ốm yếu của Trung Quốc không thể hấp thụ.

Thứ hai là có một mối quan tâm rằng AIIB có thể trở thành "một công cụ trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc nếu Bắc Kinh xoay xở để có quyền phủ quyết đối với các quyết định của ngân hàng này". Không chỉ Washington nghĩ tới khả năng này mà Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cũng quan ngại về mức cổ phần mà Bắc Kinh đề xuất.

Trung Quốc đã cam kết rằng ngân hàng mới sẽ "mở rộng cửa, toàn diện, minh bạch và có trách nhiệm", nhưng ý đồ của họ sẽ chỉ được kiểm nghiệm khi biết được mức độ sẵn sàng của họ trong việc chấp nhận một vai trò thấp hơn tại ngân hàng này, qua đó đảm bảo họ sẽ không đơn phương ra quyết định cho vay và các quyết định khác.

Các quốc gia thành viên tiềm tàng của AIIB sẽ bắt đầu nhóm họp tại Almaty, Kazakhstan, vào ngày 29/3 này để xây dựng quy chế về sự tham gia của họ. Tới ngày 31/3, ngày dự kiến cuối cùng của cuộc họp, tỷ lệ nắm giữ cổ phần sơ bộ sẽ được thiết lập. Người ta sẽ quan sát xem Bắc Kinh quyết định nắm giữ bao nhiêu phần trăm cổ phần tại ngân hàng này.

Dự án AIIB được dựa trên lập luận cho rằng cần thiết phải có một tổ chức tài chính trong một khu vực đang cần cả nghìn tỷ USD để phát triển các tuyến đường bộ, đường sắt và cáp quang. Trong khi đó, ADB bị chỉ trích là quan tâm đến các dự án xóa đói giảm nghèo hơn là phát triển các dự án hạ tầng để đẩy mạnh kinh tế.

Theo Minh Đức (theo mạng tin "World Affairs")

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm