1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nguyên nhân khiến "World Bank Trung Quốc" hút nhiều nước tham gia

Ngày 31/3 tới là hạn chót để nộp đơn xin đăng ký làm thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) - định chế tài chính do Trung Quốc khởi xướng.

Trong một bản tin mới đây, có thông tin dẫn tiết lộ của Trưởng Ban Thư ký AIIB Kim Lập Quần cho biết có ít nhất 35 quốc gia sẽ gia nhập ngân hàng này trước thời hạn chót.

Tờ “Kinh tế Nhật báo” của Hong Kong cho biết, sau ngày 31/3, các nước sáng lập sẽ tiến hành nhiều vòng thảo luận và đến tháng 6/2015 sẽ chốt lại Điều lệ AIIB để cùng nhau kí kết. Sau khi hoàn thành các trình tự nêu trên, AIIB có kỳ vọng chính thức được thành lập và bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2015.

Điều đáng chú ý là trước thời hạn chót nêu trên, người ta thấy một loạt nước phương Tây vượt qua sự ngăn cản của Mỹ, nộp đơn gia nhập AIIB. Vào ngày 12/3 là Anh, sau đó là hàng loạt đồng minh châu Âu kiên định nhất của Mỹ gồm Đức, Pháp, Italy, Luxembourg và Thụy Sĩ.

AIIB thu hút được nhiều nước tham gia là do Trung Quốc đã chủ động từ bỏ quyền phủ quyết
AIIB thu hút được nhiều nước tham gia là do Trung Quốc đã chủ động từ bỏ quyền phủ quyết

Gần đây nhất, hãng tin Bloomberg của Mỹ cho biết Canada cũng đang xem xét khả năng gia nhập AIIB. Như vậy, trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) chỉ còn Mỹ và Nhật Bản là đứng ở bên ngoài cánh cửa của AIIB. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hai đồng minh quan trọng khác của Mỹ là Hàn Quốc và Australia cũng đang trong công đoạn cuối để đưa ra quyết định có gia nhập AIIB hay không.

Như vậy, tính tới nay, nghĩa là trước thời hạn chót còn gần một tuần nữa, AIIB đã có hơn 30 thành viên sáng lập, chủ yếu đến từ châu Á, châu Âu và vùng Vịnh. Ngay cả Mỹ cũng có thái độ lắng dịu hơn đối với AIIB. Trong số ra ngày 23/3, “Nhật báo Phố Wall” dẫn lời của Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế - ông Nathan Sheets - cho biết Mỹ hoan nghênh sự ra đời của các tổ chức tài chính đa phương góp phần củng cố sức mạnh của hệ thống tài chính thế giới. Theo ông Nathan Sheets, việc hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ hướng AIIB vào vai trò bổ sung thay vì cạnh tranh với các tổ chức này.

Trước đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, cũng nói rằng IMF “vui mừng” hợp tác với AIIB, đồng thời tin tưởng rằng WB cũng “vui mừng” hợp tác với AIIB.

Tại sao AIIB thu hút được nhiều nước tham gia như vậy? Truyền thông Hong Kong dẫn lại thông tin trên tờ “Nhật báo Phố Wall” cho biết đó là do Trung Quốc đã chủ động từ bỏ quyền phủ quyết tại AIIB. Quan điểm này của Trung Quốc đóng vai trò then chốt thúc đẩy Anh, Pháp, Đức và Italy phá vỡ lập trường thống nhất với Mỹ và nộp đơn gia nhập AIIB. Ngoài việc từ bỏ quyền phủ quyết, chính phủ Trung Quốc còn nỗ lực loại bỏ lo lắng từ Mỹ và các nước khác về tính minh bạch và việc điều hành AIIB.

Tham gia một hoạt động dành cho các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp quốc tế ngày 22/3 vừa qua, Trưởng Ban Thư ký AIIB Kim Lập Quần cho biết Trung Quốc sẽ không “bắt nạt” các thành viên khác mà sẽ hợp tác cùng họ nhằm tìm kiếm nhận thức chung trong tất cả các quyết định của AIIB. Theo ông Kim Lập Quần, địa vị là cổ đông lớn nhất AIIB của Trung Quốc không phải là đặc quyền, mà là trách nhiệm và sự đảm đương.

Theo truyền thông hải ngoại, việc chính phủ Trung Quốc đề xuất không có bất cứ quốc gia đơn lẻ nào có thể chi phối quyền quyết sách của AIIB khác xa so với cách làm xưa nay ở IMF và WB. Ở hai định chế này, Mỹ chỉ có quyền bỏ phiếu chưa tới 20%, nhưng một số quyết sách quan trọng của IMF và WB lại bị Mỹ chi phối. Nhiều năm nay, kết cấu tổ chức như vậy luôn bị các nước thành viên khác chỉ trích.

Nhà kinh tế học Eswar Prasad thuộc Đại học Cornell, trước đây phụ trách mảng nghiệp vụ về Trung Quốc của IMF, cho rằng cách làm mang tầm nhìn dài hạn của Trung Quốc có hiệu quả rất tốt. Trung Quốc cũng không cần vội vàng vì họ biết rằng các nước khác sẽ gia nhập AIIB. Theo Eswar Prasad, hiện nay, các quan chức trong và ngoài Trung Quốc đều cho rằng những tiến triển của AIIB là thắng lợi hiếm thấy của Trung Quốc trên vũ đài quốc tế. Hơn nữa, AIIB do Trung Quốc dày công lên kế hoạch đang tạo thêm nhiều thách thức đối với hệ thống kinh tế quốc tế sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai do Mỹ giữ vai trò chủ đạo.

Theo TTK/baotintuc.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm